Gà ác hầm tam thất thích hợp cho người suy nhược cơ thể.
Gà hầm tam thất
Nguyên liệu: Gà mái (khoảng 1kg) hoặc gà ác (ô cốt kê) 1 con, tam thất 20g.
Cách chế biến: Gà làm sạch, tam thất tán bột cho vào bụng gà; hầm cách thủy cho chín, thêm gia vị cho ăn.
Công dụng: Thích hợp cho người suy nhược cơ thể, khí huyết hư, ăn kém, mệt mỏi, da tái nhợt thiếu máu.
Canh tam thất (trứng gà, tây thảo, mai mực)
Nguyên liệu: Trứng gà 2 quả, tam thất 3g, mai mực 20g, tây thảo 10g.
Cách chế biến: Trứng khoét lỗ nhỏ, tam thất tán bột cho vào 2 quả trứng (chia đều) bịt kín lỗ khoét. Nấu cùng mai mực, tây thảo và lượng nước thích hợp. Khi trứng chín, bỏ vỏ trứng, ăn trứng và uống nước canh.
Công dụng: Dùng tốt cho chị em kinh nguyệt kéo dài 8 - 10 ngày, lượng ít, rỉ rả, có máu cục, đau quặn.
Gà giò hầm tam thất, quế chi
Nguyên liệu: Gà giò hoặc gà ác 1 con, quế chi 6g, tiểu hồi 6g, bột tam thất 3g.
Cách làm: Gà làm sạch, chặt miếng, nấu với quế chi, tiểu hồi cho chín nhừ, thêm gia vị, ăn thịt gà, uống nước canh với bột tam thất.
Cách dùng: Ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 10 ngày.
Công dụng: Dùng tốt cho chị em bị viêm tử cung phần phụ.
Rượu hầm tam thất, ngó sen, trứng gà
Nguyên liệu: Tam thất 3g, nước ép ngó sen 200ml, rượu nhạt 150ml, trứng gà 1 quả.
Cách chế biến: Tam thất tán mịn, đập bỏ vỏ trứng, trộn nước ép ngó sen và rượu, đun cách thủy cho chín.
Công dụng: Dùng cho người thổ huyết, khái huyết tiện huyết, xuất huyết dạ dày ruột.
Cách dùng: Ngày ăn 1 lần.
Tam thất tán
Nguyên liệu: Tam thất tán bột.
Cách dùng: Mỗi lần uống 4 - 6g cùng với nước hồ hoặc chút rượu.
Công dụng: Dùng cho người kiết lỵ đại tiện xuất huyết, chấn thương đụng giập, sưng nề.
Kiêng kỵ: Người huyết hư không ứ không được dùng. Phụ nữ có thai không dùng.