Tập truyện có nhiều minh họa sinh động. Ảnh: Anh Sơn |
Không chỉ gây ấn tượng với người đọc về cảm xúc ẩn chứa trong từng dòng chữ, Nguyễn Huy Tưởng còn viết truyện thiếu nhi như là một cách giáo dục thế hệ trẻ những bài học bổ ích trong cuộc đời.
Qua ngòi bút của nhà văn, lịch sử không còn khô khan nữa mà tràn đầy sinh khí, hào hùng như cách nhà vua Quang Trung hành quân, đánh tan quân Thanh. Hay thật xúc động, chạm đến trái tim độc giả từ hình ảnh đôi bàn tay bùng cháy của người chiến sĩ Bẩm kiên trung.
Khi bị giặc tra tấn, đánh đập và thậm chí dọa đốt đi đôi bàn tay lành lặn, Bẩm vẫn kiên quyết không khai về đồng chí bí thư, dẫu biết rằng muốn trở lại với cuộc sống bình thường với đôi bàn tay tàn tật thì chẳng dễ dàng gì.
Khi ngọn lửa bùng lên cũng là lúc anh thi gan với quân thù và thể hiện tấm lòng trung thành của mình với kháng chiến, Tổ quốc. Chính đôi bàn tay tàn tật tưởng chừng không thể làm được việc gì ấy đã đào hầm, tiếp tục đánh giặc: “Anh tự hào nhìn đôi bàn tay sứt mẻ. Với đôi bàn tay ấy anh vẫn còn phục vụ được nhiều…”.
Lịch sử dân tộc được tái hiện qua ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng trở nên thật gần gũi, dạy cho độc giả trẻ về lòng yêu quê hương, đất nước và trân trọng những gì cha ông đã gây dựng để có được ngày hôm nay.
Bài học về cách sống thiện cũng được nhắc đến rất nhiều, xuyên suốt cả cuốn sách. Những tên cường hào, ác bá bóc lột dân lành như chúa làng trong hai truyện “Thằng Quấy” và “Tìm mẹ” hay mụ dì ghẻ độc ác trong “Tấm Cám”… dù có xảo quyệt đến đâu cũng không thể thoát khỏi sự trừng trị.
Tình yêu được hòa quyện cùng những bài học vô giá đã khiến các tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng ngày càng được các bạn thiếu nhi tìm đọc và yêu mến.