Mong phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục

Hồ Lài - Hiếu Nguyễn | 22/04/2023, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, trong giáo dục không có phương pháp hay nhất, mà chỉ có phương pháp phù hợp nhất.

Là cấp trưởng chủ nhiệm, Trường THCS-THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Lê Thị Thanh Bình cho hay, bên cạnh công việc có tính hành chính, giáo viên chủ nhiệm như một người trưởng thành nhất lớp có trách nhiệm “chăm sóc” học sinh của lớp.

Nghĩa là giáo viên chủ nhiệm không chỉ quản lý lớp học, hỗ trợ trò học tập, giải quyết mọi vấn đề phát sinh trên lớp mà là người tạo dựng một môi trường lớp học thân thiện, tin cậy, tôn trọng, khuyến khích sự giao tiếp mở và chân thành giữa các em; tạo điều kiện cho trò cảm thấy thoải mái chia sẻ, trao đổi vấn đề cá nhân hoặc học tập.

Mong phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục ảnh 3

Học sinh Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (huyện Nam Đàn, Nghệ An) chơi bóng bàn sau giờ học.

Để trường học an toàn, hạnh phúc

Ngày 18/4, một vụ đánh nhau xảy ra ngay sau giờ tan trường, trong phòng học của học sinh khối 10. Sự việc nhanh chóng được xác nhận diễn ra tại Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Nhận thông tin, ban giám hiệu nhà trường lập tức yêu cầu các học sinh liên quan viết bản tường trình, mời gia đình các em đến làm việc. Qua trò chuyện, những mâu thuẫn, xích mích đã được tháo gỡ, học sinh cũng làm hòa và đều xin lỗi về những hành động khi chưa được kiểm soát. Gia đình cũng thấy thỏa đáng với cách xử lý của nhà trường.

Theo thầy Hiệu trưởng Cao Thanh Bảo, trong học đường, vấn đề bạo lực học đường lúc nào cũng có thể xảy ra với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trường hợp nặng, học sinh có thể nhận hình thức kỷ luật cao nhất là đuổi học. Tuy nhiên, nhiều năm dạy học và làm công tác quản lý, thầy Cao Thanh Bảo cho hay, việc đuổi học rất hi hữu. Vì bản thân các em kể cả là nạn nhân hay người gây ra hành vi bạo lực đều có nguyên nhân ẩn giấu phía sau và cần được giúp đỡ. Nếu đuổi học đồng nghĩa với việc nhà trường chối bỏ, đẩy em ra ngoài xã hội thì đó là bất lực của giáo dục.

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Trường THPT Hà Huy Tập đang sử dụng đồng thời nhiều biện pháp. Đó là lắp đặt camera tại nhiều khu vực như hành lang, trước cổng nhà trường và một số lớp học. Bộ phận bảo vệ và nền nếp luôn kiểm soát không để những đối tượng lạ mặt vào trường tìm cơ hội gây gổ. Nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là công an phường Lê Lợi để giải quyết nếu có sự việc bất thường xảy ra.

Mong phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục ảnh 4

Phụ huynh đưa con đi thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2022. Ảnh: INT

Bên cạnh đó, nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm. Thực tế tất cả trường học đều có tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng học sinh thường ngại tìm đến. Thường các em vẫn tìm đến giáo viên chủ nhiệm trước tiên để trình bày các vấn đề, đề xuất nguyện vọng. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm phải biết lắng nghe, chia sẻ, trong trường hợp sự việc khó giải quyết hoặc vượt tầm phải báo cáo nhà trường cùng xử lý.

Trường THPT Đặng Chánh Kỷ là trường trọng điểm của huyện Nam Đàn, Nghệ An. Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng cho hay, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng chịu áp lực thành tích. Các thầy cô luôn phải cố gắng để đem lại kết quả học tập tốt nhất cho học sinh và tốt hơn so với trường thường.

“Không thể phủ nhận tâm huyết, yêu nghề, chăm lo cho học sinh của giáo viên nhà trường. Nhưng lâu nay, các thầy cô chỉ mới chú trọng vào dạy kiến thức văn hóa. Vì thế lãnh đạo nhà trường phải tạo sự chuyển biến trong quan điểm dạy học của giáo viên. Bên cạnh kiến thức, còn phải tạo không gian để các em giải trí, hoạt động trải nghiệm”, thầy Vương Linh chia sẻ.

Theo đó, nhà trường xây dựng thư viện xanh, thành lập các câu lạc bộ dân ca, bóng bàn… Những không gian mở này thu hút học sinh tham gia, giải trí sau giờ học hiệu quả. Đặc biệt là học sinh cuối cấp, nhiều em nhà xa phải ở lại trường buổi trưa để học ôn vào buổi chiều. Qua thời gian, dù chưa có kết quả cụ thể, nhưng không khí trong trường của cả học sinh, giáo viên trở nên thân thiện, tích cực, cởi mở hơn.

Mong phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục ảnh 5

Cô trò Trường THPT Diễn Châu 3, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

“Từ khóa” để cảm hóa học trò

Cô Nguyễn Thị Ngọc Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 9D Trường THCS Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Nếu lứa tuổi tiểu học dễ bảo, học sinh THPT đã khá trưởng thành, có nguyện vọng, ước mơ, hoài bão; thì lứa tuổi THCS có những đặc thù khiến công tác chủ nhiệm vất vả hơn.

Các em còn trẻ con, nhưng thích thể hiện như người lớn, ương bướng, đôi lúc trái khoáy, không chịu nghe lời. Giai đoạn nhạy cảm đặc biệt ở lớp cuối cấp bởi tâm lý lứa tuổi và áp lực trước kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng. Bởi vậy, giáo viên chủ nhiệm vừa là cô, vừa là mẹ, vừa là bạn để thấu hiểu tâm tư, vướng mắc của học trò.

Kinh nghiệm từ 33 năm làm công tác chủ nhiệm, giải pháp cô Ngọc Oanh thấy tâm đắc nằm trong 6 “từ khóa”: Hài hòa yêu thương và nghiêm khắc; thấu hiểu và sẻ chia; bao dung và che chở; kiên trì giảng giải; khuyến khích động viên đúng lúc, kịp thời.

“Đầu tiên phải nghiêm khắc cho các em vào kỷ luật. Nhưng nghiêm khắc với lứa tuổi này chưa đủ mà phải là sự nghiêm khắc xuất phát từ tình yêu thương. Cùng với đó, là hiểu tâm tư học trò để thấu hiểu, sẻ chia. Chỉ cần tinh ý phát hiện trẻ có vấn đề, dành thời gian gặp gỡ trò chuyện riêng là có thể cởi mở, chia sẻ vấn đề mình gặp phải.

Tôi từng nói với học trò, ‘khi vui quá, hoặc buồn quá, các em không nên lên mạng chia sẻ, vì điều đó không giúp gì được cả. Các em cần tìm người chia sẻ và cô thì sẵn sàng ở đây lắng nghe, nếu giúp được sẽ giúp hết mình’. Bên cạnh đó, điều vô cùng quan trọng là tìm hiểu nếu trò mắc lỗi, đừng vì 1 lần vi phạm mà quy chụp học sinh vô ý thức, vô kỷ luật. Ngoài ra, hãy ghi nhận, động viên, tuyên dương kịp thời, kể cả những tiến bộ nhỏ của học trò”, cô Ngọc Oanh chia sẻ.

Với kinh nghiệm 14 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Trang, Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) cho rằng: Trước hết, mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Đồng thời, gần gũi, thấu hiểu, quan tâm, nắm chắc hoàn cảnh từng em trong lớp; luôn giữ vai trò chủ đạo trong phối hợp với các lực lượng giáo dục.

Riêng lớp cuối cấp, giáo viên chủ nhiệm không chỉ dạy kiến thức mà còn phải dõi theo tâm sinh lý mỗi em, giải quyết các tình huống xảy ra một cách tế nhị, biết lắng nghe và phân tích cho trẻ hiểu. Giáo viên chủ nhiệm còn phải là người đồng hành, định hướng việc lựa chọn trường thi, khối thi, nghề nghiệp cho học trò. Đây là bước ngoặt quan trọng, nếu được định hướng đúng sẽ giúp các em rất nhiều về sau này.

“Tôi nghĩ, biện pháp làm tốt công tác chủ nhiệm thì nhiều, điều quan trọng là áp dụng phù hợp. Bên cạnh đó, biện pháp là cần thiết, nhưng hơn cả vẫn là tấm lòng, sự nhiệt tình, trách nhiệm và tình thương yêu học trò của chính thầy cô”, cô Nguyễn Thị Trang cho hay.

Buổi học vào sáng ngày 20/4, cô Trần Thị Việt Hà, chủ nhiệm lớp 9D Trường THCS Hưng Đồng (huyện Nghi Lộc) cũng dành thời gian để trao đổi về vấn đề bạo lực học đường. Theo cô Hà, những mâu thuẫn ở độ tuổi học trò phần lớn là nhất thời. Trong trường hợp sự việc bị kéo dài thì việc phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội và ban chấp hành hội phụ huynh là điều cần thiết. Giáo viên chủ nhiệm hiện nay áp lực công việc rất lớn. Nhưng trong một lớp học không phải em nào cũng gặp sự cố. Chỉ cần giáo viên bỏ công sức, tâm tư với học trò và theo sát các hoạt động của lớp sẽ tạo được niềm tin và cùng với các em tháo gỡ những vướng mắc.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/mong-phu-huynh-de-giao-vien-duoc-lam-tron-ven-nhiem-vu-giao-duc-post635571.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/mong-phu-huynh-de-giao-vien-duoc-lam-tron-ven-nhiem-vu-giao-duc-post635571.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong phụ huynh để giáo viên được làm trọn vẹn nhiệm vụ giáo dục