Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 4 thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tại Hải Phòng, các trường chuyên biệt cũng đang thực hiện nội dung giáo dục bám sát với chương trình mới. Theo cô Nguyễn Thị Hòa Bình, Phó Hiệu trưởng Trường khiếm thính Hải Phòng, quá trình giáo dục học sinh, nhà trường bám sát chuyên môn theo chương trình mới.
Nhưng đặc thù học sinh khuyết tật, thầy cô áp dụng linh hoạt mềm dẻo, giảm tải. Trường chia nhỏ chương trình một lớp học 2 năm, quá trình dạy nếu giáo viên thấy tài liệu không phù hợp với học trò thầy cô có thể giảm tải, tạo điều kiện cho các em tiếp thu kiến thức tốt nhất.
Cô Bình chia sẻ, một bài tập đọc, thầy cô soạn đủ nội dung để học sinh hiểu và giáo án có đa phương pháp, trong đó phương pháp dùng hình miệng, ngôn ngữ kí hiệu là đặc thù của Trường khiếm thính. Trẻ khuyết tật trí tuệ có nhiều em 8 - 9 tuổi mới đi học lớp 1. Thậm chí có những cháu 3 - 4 năm mới học xong một lớp, vì thế thầy cô phải theo sát và có kế hoạch giáo dục phù hợp.
Sách giáo khoa chỉ là học liệu, ngoài ra, thầy cô còn tham khảo nhiều nguồn tài liệu để giảng dạy và rèn giũa cho học trò. Nhà trường lồng ghép thời khóa biểu để tăng cường các hoạt động dạy kĩ năng sống cho các em.
“Nhà trường đang dùng bộ sách giáo khoa Cánh diều. Với ưu điểm bộ sách có màu sắc trực quan, sinh động, phù hợp trẻ khuyết tật. Trẻ khiếm thính tri giác phát triển mạnh nên hình ảnh bắt mắt sẽ kích thích trí tuệ cho các em”, cô Bình chia sẻ.
Ngoài giảm tải sâu chương trình, giáo viên sẽ có phương pháp giáo dục cá nhân, những trò yếu kém hơn các bạn thầy cô tích cực, sát sao hơn. Vì thế với trẻ khiếm thính phương pháp giáo dục của nhà trường cơ bản ổn định. Nhưng trẻ khuyết tật thì không theo được chương trình, thầy cô đặt mục tiêu thấp về kiến thức và chỉ cần các em có thêm kĩ năng giao tiếp xã hội, phục vụ mình và tương tác bạn bè.
Cô Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này trường có 244 học sinh với 26 giáo viên. Tỷ lệ trung bình là trên 13 học sinh/lớp. Nhà trường có thuận lợi là giữ ổn định định biên giáo viên. Tuy nhiên, cô Lương cũng cho rằng, học trò khuyết tật khi vào trường độ tuổi không đồng đều, ở nhiều thể nặng nhẹ khác nhau thầy cô gặp khó khăn trong giảng dạy. Đặc thù như vậy nên nhà trường chỉ đạo chuyên môn sát sao, thầy cô phân loại, bố trí lớp đảm bảo tiêu chí về dạng tật và độ tuổi.
Ông Phạm Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Thành phố rất quan tâm đến thầy và trò ở 2 trường chuyên biệt. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách nhưng cơ bản đời sống của giáo viên, điều kiện học hành của học trò được ổn định.
Vừa qua, Sở cũng có buổi làm việc với Trường khiếm thính để lắng nghe ý kiến nhà trường, ghi nhận những vướng mắc để có ý kiến với cơ quan chức năng. Về tỷ lệ giáo viên, học sinh/lớp, SGK… tại trường chuyên biệt Sở sẽ có ý kiến với Bộ GD&ĐT để có cơ chế đặc thù tạo hướng đi thuận lợi cho các nhà trường.