Mong thành hiện thực đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc

20/08/2023, 11:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy cô bày tỏ mong mỏi đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại - được thông qua.

Động lực cho giáo viên mầm non

Cô Đỗ Kim Phượng, giáo viên Trường mầm non Hoa Hồng 2 (Bình Minh, Vĩnh Long) cũng chia sẻ giáo viên mầm non hiện nay chịu rất nhiều áp lực.

Theo đó, Thông tư 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non chỉ 8 giờ trên ngày. Nhưng do tính chất công việc, giáo viên mầm non thường bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng cho đến tận 17 giờ 30 phút chiều, có lúc hơn thế - khi họp đột xuất, hay phụ huynh chưa đón con. Chưa kể đến ngày thứ Bảy, Chủ nhật phải họp hội, lao động, học tập...

Không chỉ thời gian, công việc của giáo viên mầm non cũng áp lực khi cùng lúc thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; luôn phải quan tâm, theo dõi, tư vấn về chế độ dinh dưỡng của trẻ ở gia đình và ở trường; chăm lo từng giấc ngủ, quan sát để phát hiện những biểu hiện bất thường và xử lý kịp thời…

Giáo viên mầm non phải giáo dục từng kỹ năng cho trẻ, vận dụng phương pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng… Giờ trẻ ngủ, giáo viên phải trực trẻ ngủ, làm đồ dùng đồ chơi. Tiền thuê mướn nhân viên vệ sinh không đủ chi trả, do đó khâu dọn dẹp sau ăn của trẻ cũng do giáo viên hỗ trợ phụ trách. Chưa kể công việc hoàn thành hồ sơ sổ sách đúng theo quy định, báo cáo kịp thời…

Áp lực khác, theo cô Đỗ Kim Phượng, phần lớn phụ huynh, người thân chăm sóc trẻ chưa thấu hiểu sâu về tầm quan trọng của giáo dục mầm non; chưa quan tâm về giờ giấc, cũng như hỗ trợ rèn kỹ năng cần thiết cho trẻ; chế độ sinh hoạt ăn, ngủ, chơi chưa hợp lý. Đa phần con được nuông chiều, chưa kể đến những trẻ tăng động, có dấu hiệu tự kỷ, chập phát ngôn ngữ…). Một số phụ huynh chưa cảm thông chia sẻ với giáo viên khi có vấn đề trẻ nghịch trong lớp…

Từ đặc thù đó, cô Đỗ Kim Phượng cho rằng, giáo viên mầm non được đề xuất vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại cũng phù hợp. Do trẻ nhỏ không thể làm được nhiều công việc ở lớp như các cấp học khác, nên phần lớn là giáo viên làm, trẻ chỉ lao động rèn luyện thể chất (vừa sức) mang tính chất rèn kỹ năng.

Do đặc thù của trẻ nhỏ rất năng động, mọi hoạt động của trẻ giáo viên phải theo sát để hướng dẫn, giải thích, dạy bảo… Ngày này qua tháng khác đã ảnh hưởng đến dây thanh quản; chưa kể đến bệnh giãn tĩnh mạch đang là rủi ro có thể xảy ra đối với giáo viên bất cứ lúc nào.

Đối với giảm tuổi nghỉ hưu, từ thực tế bản thân, cô Đỗ Kim Phượng cho biết, bản thân có nhiều kinh nghiệm nhưng không nhanh nhẹn như tuổi trẻ, ngoại hình không thu hút trẻ nhỏ; ứng dụng công nghệ trong dạy học cũng gặp khó khăn…

“Nếu đề xuất của Bộ GD&ĐT về xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại; tuổi nghỉ hưu được thấp hơn và có những phụ cấp nghề theo đề xuất - sẽ là động lực để giáo viên mầm non gắn bó với nghề. Đây cũng là điểm thu hút đối với người trẻ, để họ không trăn trở khi chọn trở thành giáo viên mầm non”, cô Đỗ Kim Phượng cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/mong-thanh-hien-thuc-de-xuat-dua-giao-vien-mam-non-vao-nhom-nganh-nghe-nang-nhoc-post651182.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/mong-thanh-hien-thuc-de-xuat-dua-giao-vien-mam-non-vao-nhom-nganh-nghe-nang-nhoc-post651182.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mong thành hiện thực đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc