Chính sách giáo dục

Bộ GD&ĐT lấy ý kiến Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số

25/07/2025 23:03

Ngày 25/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm lấy ý kiến Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (GDĐH), Bộ GD&ĐT; GS.TS Trần Trung - Giám đốc Học viện Dân tộc và GS.TS Cao Tiến Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự còn có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT cùng chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học khu vực nam Trung Bộ.

anh-2-toa-dam.jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học báo cáo đề dẫn tại buổi tọa đàm. (Ảnh: NA)

Theo đó, Dự thảo “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số trong các ngành, nhóm ngành, lĩnh vực trọng điểm giai đoạn 2025–2035, tầm nhìn đến 2045” nhằm triển khai Quyết định 1657/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2045.

Cụ thể, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 14,7% dân số Việt Nam, tương đương hơn 14 triệu người, với quy mô dân số tăng nhanh và đang trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực DTTS vẫn còn thấp, với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt khoảng 6,2% – chưa bằng 1/3 so với mức bình quân chung cả nước. Các chính sách hỗ trợ phát triển nhân lực dân tộc thiểu số còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự phát huy động lực vươn lên của đồng bào DTTS.

anh-8-toa-dam.jpg
TS Phan Thị Duyên - Vụ GDĐH thông qua chương trình buổi tọa đàm. (Ảnh: NA)

Mục tiêu và định hướng của Đề án

Theo Dự thảo, trong giai đoạn 2025–2035, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu hình thành đội ngũ nhân lực người dân tộc thiểu số có trình độ cao, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như: Y khoa, Dược học, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp, Tài chính – Ngân hàng và đào tạo giáo viên.

Mục tiêu đến năm 2035, nhân lực người dân tộc thiểu số sẽ đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành then chốt, góp phần đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và cả nước.

anh-6-toa-dam.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên đóng góp ý kiến. (Ảnh: NA)

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, để đạt được mục tiêu đề ra, cần gắn đào tạo các ngành then chốt với giải quyết trực tiếp những vấn đề kinh tế – xã hội tại địa phương. Ông Nam đề xuất: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần kết hợp nông nghiệp công nghệ sinh học, chế biến và các nhóm ngành liên quan để hình thành cụm ngành trọng điểm. Đồng thời, phải liên thông giữa các bậc học từ dự bị, đại học đến sau đại học. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, cần có cơ chế riêng, bổ sung chỉ tiêu để các trường có thêm năng lực đào tạo. Bên cạnh hỗ trợ ở bậc đại học, cũng nên có học bổng dành cho người dân tộc thiểu số học tiếp lên thạc sĩ, tiến sĩ để tạo ra nguồn nhân lực thực sự chất lượng”.

Thách thức và giải pháp về học phí, chính sách hỗ trợ

Ở góc độ quản lý đào tạo, PGS.TS Tô Văn Phương – Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Nha Trang nêu băn khoăn về bài toán học phí trong bối cảnh các trường đang tiến tới tự chủ.

anh-7-toa-dam.jpg
PGS.TS Tô Văn Phương – Trường Đại học Nha Trang đóng góp ý kiến. (Ảnh: NA)

Ông Phương đề xuất, cần có thêm chính sách hỗ trợ đối với sinh viên người dân tộc thiểu số. “Hiện điều kiện kinh tế – xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, trong khi sắp tới các trường phải tự chủ nhiều hơn nên vấn đề học phí rất nan giải. Vì vậy, chính sách hỗ trợ học phí, chi phí ăn ở và các hoạt động học tập cho sinh viên cần được duy trì, quan tâm nhiều hơn để tạo điều kiện cho các em tiếp cận giáo dục đại học” - PGS.TS Tô Văn Phương nhấn mạnh.

Đại diện cơ sở giáo dục tư thục, TS Lưu Viết Tĩnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột cho rằng, vẫn còn những bất cập về chính sách giữa khu vực công lập và tư thục.

“Các trường tư thục phải tự chủ hoàn toàn về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, nguồn lực để hoạt động đúng quy định của pháp luật giáo dục. Chúng tôi rất vui vì Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy quyết tâm xã hội hóa giáo dục, không phân biệt công – tư. Tuy nhiên, cần có cơ chế công bằng hơn, từ xây dựng chính sách, phát triển nguồn nhân lực đến hỗ trợ học phí. Chúng tôi hoàn toàn đủ năng lực tham gia các đề án đào tạo nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và đặc biệt mong muốn đóng góp vào đào tạo nguồn nhân lực y tế cơ sở – nền tảng để cộng đồng khỏe mạnh, xã hội phát triển bền vững”, TS Lưu Viết Tĩnh bày tỏ.

anh-4-toa-dam.jpg
GS.TS Cao Tiến Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trao đổi tại buổi tọa đàm. (Ảnh: NA)

Các ý kiến tại tọa đàm cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện cơ chế cử tuyển, tuyển sinh phù hợp với điều kiện vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ học bổng, chi phí học tập, ký túc xá và có giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực sau đào tạo.

Trong đó, nhiều đại biểu đề xuất, cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên là người dân tộc thiểu số tại các trường đại học, cao đẳng ở địa phương.

PGS.TS Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, sẽ tiếp thu, chọn lọc các ý kiến, tham mưu Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện Dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mọi người dân tộc thiểu số đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-lay-y-kien-de-an-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-nguoi-dan-toc-thieu-so-post741477.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-lay-y-kien-de-an-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-nguoi-dan-toc-thieu-so-post741477.html
Bài liên quan
Đoàn Bộ GD&ĐT phát động thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GD&ĐT
Ngày 19/7, Đoàn Thanh niên Bộ GD&ĐT phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2025-2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD&ĐT lấy ý kiến Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao người dân tộc thiểu số