Một đô thị tại Thừa Thiên Huế sắp được mở rộng và trở thành thành phố vào 2030 - 2045

Thùy Trang | 27/01/2024, 15:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù. Dự kiến hành chính đô thị cũng sẽ có thay đổi, trong đó Thừa Thiên Huế sẽ có thành phố Chân Mây, trong khi đó thành phố Huế sẽ tách thành hai quận và thêm thành phố Chân Mây.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị loại I, thành phố trực thuộc trung ương có yếu tố đặc thù.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2065, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng và phát triển trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.

Để phù hợp với định hướng quy hoạch, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển theo mô hình "Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực". Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc văn hóa. Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm "Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển".

Về ba hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam; hành lang kinh tế Đông - Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F); hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy các liên kết về không gian nội vùng với tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng qua hệ thống đường ven biển, quốc lộ 49B, đường sắt tốc độ cao.

Ba trọng điểm phát triển đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm gồm thành phố Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà; đô thị cửa ngõ phía Nam tại Chân Mây; đô thị cửa ngõ phía Bắc tại Phong Điền. Các đô thị khác được gắn kết trong các vùng sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh.

Bốn vùng quản lý phát triển như sau: Vùng không gian đô thị trung tâm gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà (Phân vùng A); Vùng không gian phía Nam, bao gồm đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông (Phân vùng B); Vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền (Phân vùng C); Vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới (Phân vùng D).

Đơn vị hành chính đô thị Thừa Thiên Huế sẽ có sự thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Cụ thể từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 02 quận (trong đó thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 03 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 04 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Từ sau năm 2025 đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện gồm 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 02 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông).

Từ sau năm 2030 đến năm 2065, Thừa Thiên Huế sẽ ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm với 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 thành phố Chân Mây và các thị xã và các huyện.

Với sự thay đổi đơn vị hành chính, Thừa Thiên Huế có định hướng phát triển không gian khu vực đô thị phù hợp. Cụ thể, về khu vực đô thị trung tâm gồm khu vực 04 quận được phát triển mở rộng trên nền tảng thành phố Huế (khớp nối đồng bộ khu đô thị mới An Vân Dương) và thị xã Hương Thuỷ, thị xã Hương Trà hiện hữu. Đất xây dựng đô thị đến năm 2045 khoảng 21.500 ha; quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 1.010 nghìn người.

Khu đô thị trung tâm định hướng phát triển, mở rộng không gian chủ yếu về phía biển, trục cảnh quan chính là sông Hương. Tổ chức không gian theo mô hình đa trung tâm với trung tâm di sản, văn hóa là Kinh thành Huế; trung tâm hành chính, chính trị toàn đô thị, khoa học công nghệ tại khu vực An Vân Dương; Trung tâm dịch vụ, du lịch, thương mại, tài chính, y tế, giáo dục tại khu vực phía Nam sông Hương; Trung tâm phát triển công nghiệp, vận tải, logistics tại Hương Thủy và Hương Trà.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng về phía Bắc thuộc huyện Phú Lộc hiện hữu) để hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm. Đây là đô thị cửa ngõ phía Nam kết nối với thành phố Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Trung Bộ, một trong những trung tâm giao thương quốc tế của các nước thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây. Định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố trong giai đoạn 2030 - 2045.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một đô thị tại Thừa Thiên Huế sắp được mở rộng và trở thành thành phố vào 2030 - 2045