Một giám đốc bị bắt cùng khoản nợ xấu của MSB vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng

Nguyễn Long - Bảo Huy | 03/11/2023, 15:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Dư luận đang xôn xao về một giám đốc chi nhánh của ngân hàng MSB bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Không những thế, MSB còn được biết đến là ngân hàng đang có khoản nợ xấu tăng nhanh, trên 4.000 tỷ đồng.

msb.jpg
Ảnh minh họa

Giám đốc bị bắt và khởi tố

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự đối với bà Bùi Thị Hoài Anh, sinh ngày 02/12/1984 – Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh Thanh Xuân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo nguồn tin, trong thời gian bà Bùi Thị Hoài Anh làm Giám đốc MSB Phòng giao dịch Tây Hồ Tây (từ ngày 14/02/2022 đến ngày 09/09/2023), bà Hoài Anh đã chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi tiền tại MSB, theo quy định tại Điều 56,57,145,146 và 147 Bộ luật Tố tụng hình sự. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an mở rộng điều tra.

Trước đó, căn cứ vào đơn tố giác tội phạm, căn cứ tài liệu do cơ quan điều tra thu thập cho thấy, bà Bùi Thị Hoài Anh đã có hành vi lợi dụng chức vụ là Giám đốc chi nhánh của MSB tự ý rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Thông tin với báo chí, đại diện ngân hàng MSB cho biết, các khách hàng có liên quan trong vụ việc đều được ngân hàng MSB đảm bảo quyền lợi.

Đây là tín hiệu tích cực đối với MSB, cũng như khách hàng gửi tiền vào ngân hàng này, cơ quan công an đã kịp thời ngăn chặn những hệ lụy tương lai có thể xảy đến, giúp cho hệ thống hoạt động lành mạnh hơn.

chay-chung-cu-mini-khuong-ha-ha-noi-1-copy-copy-copy-copy(3).jpg

Ngân hàng MSB còn được biết đến với những dấu ấn của doanh nhân sinh năm 1969, Trần Anh Tuấn. Nhiều người vẫn hay gọi ông là Tuấn chợ, bởi ông nổi tiếng từ chủ chợ ở Nga.

Theo số liệu cập nhật, mặc dù chỉ sở hữu 16.847.125 cổ phiếu MSB, tương ứng 0.842%, nhưng quyền lực của ông Trần Anh Tuấn ở ngân hàng này lại gần như tuyệt đối. Không chỉ gói gọn trong MSB, ông Tuấn còn có ảnh hưởng lớn chủ yếu nằm ở TNG Holding, tiền thân là VID Group - một tập đoàn đa ngành chuyên đầu tư bất động sản khu công nghiệp (KCN) và đô thị.

chay-chung-cu-mini-khuong-ha-ha-noi-1-copy-copy-copy-copy(1).jpg
Cặp đôi "quyền lực" Trần Anh Tuấn - Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Về TNG Holding, dấu ấn nhiều người biết đến nhất là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch TNG Holding. Bà Hường cũng được biết đến là vợ của ông Trần Anh Tuấn chủ tịch MSB.

Về bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà từng đắc cử đại biểu Quốc hội khoá XIV năm 2016 ở Hà Nội với tỉ lệ số phiếu cao nhất đơn vị bầu cử. Tuy nhiên, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp, bỏ phiếu kín không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Hường vào ngày 17/7/2016, do bà không đủ tiêu chuẩn đại biểu vì có quốc tịch thứ hai là của Cộng hòa Malta.

Nợ xấu tăng bứt phá

Quay trở lại câu chuyện MSB, khi nhìn vào bức tranh tài chính của nhà băng này, nhiều người không khỏi giật mình, vì nợ xấu của ngân hàng này liên tục leo cao và đều qua các quý. Cụ thể: Đầu năm 2023 nợ xấu của MSB ghi nhận đạt mức 2.056,769 tỷ đồng, kết thúc quý 1 tăng lên 2.767,096 tỷ đồng; đến quý 2 nợ xấu tiếp tục tăng lên 3.496,445 tỷ đồng, và quý 3 nợ xấu đã bứt phá mạnh mẽ lên 4.148,596 tỷ đồng.

Từ bức tranh tài chính của MSB cho thấy, sau 9 tháng, nợ xấu của MSB đã bứt phá mạnh mẽ đạt 4.148,596 tỷ đồng, tức đã leo cao khoảng 200% so với đầu năm. Và số liệu từ báo cáo tài chính của MSB cũng ghi nhận, ngân hàng này có tổng dư nợ cho vay đạt 141.244,965 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu ghi nhận tăng mạnh và chiếm 2,94%, tức đang tiệm cận với ngưỡng giới hạn 3%.

chay-chung-cu-mini-khuong-ha-ha-noi-1-copy-copy-copy-copy(2).jpg
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT (bên phải) và ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB tại ĐHCĐ thường niên năm 2020

So với cùng kỳ năm 2022, nợ xấu của MSB tăng khoảng gần 300% (nợ xấu quý 3/2022 ghi nhận 1.681,428 tỷ đồng). Rất đáng quan ngại là nợ xấu lại tăng đều ở cả 3 nhóm nợ. Quan ngại nhất là nợ xấu có khả năng mất vốn lại tăng khá nhanh, và ghi nhận con số nợ xấu cũng lớn nhất, hiện đã đạt ngưỡng 1.548,227 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm 2022 con số này mới chỉ là 987,859 tỷ đồng.

Nếu đối chiếu tổng dư nợ cho vay quý 3 năm 2023 của MSB là 141.244,965 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 là 112.178,967 tỷ đồng (tăng 29.065,998 tỷ đồng), tương đương tăng khoảng 20%. Nhưng soi chiếu vào nợ xấu, thì thấy tốc độ của nợ xấu tăng nhanh đáng kinh ngạc (tăng khoảng gần 300%). Nghi ngờ mức độ bền vững tài chính của MSB sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nợ xấu.

Một vấn đề khác khiến nhà đầu tư không khỏi quan ngại, đó là tỷ lệ tài sản có khác của MSB kết thúc quý 3 vẫn ở mức đỉnh, với con số lên tới 16.387,363 tỷ đồng. Theo các chuyên gia tài chính, tài sản có khác được xem là loại tài sản “chết”, có tính thanh khoản thấp và không có khả năng sinh lời, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng.

So với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận lũy kế sau thuế quý 3 của MSB đạt 1.325 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 317 tỷ đồng, tương đương tăng khoảng 24%. Nhưng soi chiếu vào nợ xấu đang liên tục "bứt tốc" so với cùng kỳ tới gần 300%, thì khoản lợi nhuận nêu trên "không thấm vào đâu" so với nợ xấu.

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chịu nhiều áp lực từ bối cảnh chung thế giới, thanh khoản bất động sản thấp... dự báo trong tương lai gần, MSB sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức do chất lượng tài sản nên khó có thể khơi thông dòng vốn.

Bài liên quan
Hà Nội: Thiên đường chung cư mini không phép tại xã Thạch Hòa liệu có bị bỏ quên ?
(GDTĐ) - Huyện Thạch Thất, Hà Nội tiếp tục làm nóng dư luận vì tình trạng chung cư mini xây dựng sai phép, không phép. Cấp cơ sở thì “bàng quan”, thiếu quyết liệt xử lý, nên chăng cần xem xét nghiêm túc trách nhiệm lãnh đạo huyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một giám đốc bị bắt cùng khoản nợ xấu của MSB vượt ngưỡng 4.000 tỷ đồng