Tạp chí này do Karadeniz Technical University (KTU), một đại học công của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất bản từ năm 2009. Đến năm 2018, Turcomat lần đầu tiên lọt vào danh mục Scopus nhưng chỉ hai năm sau đó bị loại với lý do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường.
KTU đã quyết định chấm dứt hoạt động của tạp chí này. Ngày 25-12-2020, có người đăng ký tên miền turcomat.org và mạo danh tạp chí của KTU để hoạt động. Thông tin về các bài báo của ông H. xuất bản trên Turcomat hiện đã không còn trên dữ liệu scholar google.
"40 bài vẫn còn ít"
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông H. cho rằng hơn 40 bài vẫn còn ít. Theo ông H., ông dạy phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên và hướng dẫn nhiều giảng viên viết bài báo khoa học, hướng dẫn tiến sĩ tại đại học của Malaysia nên số lượng học viên rất lớn.
"Viết nhiều nên sẽ thấy những lỗ hổng, những điểm còn chưa được đề cập và như thế phát hiện đề tài rất nhanh. Tôi liên tục hối các học viên tham gia viết bài. Bản thân tôi cũng phải làm việc ngày đêm mới có số lượng sản phẩm như vậy.
Một luận văn tiến sĩ tôi có thể viết 15 bài. Mục tiêu của tôi làm lên phó giáo sư nên ép bản thân và học viên phải viết nhiều. Tôi là người hướng dẫn và chỉnh lý cuối cùng chứ mình tôi làm sao viết được từng đó bài. Tuy nhiên hiện nay tôi tập trung vào chất lượng hơn là số lượng" - ông H. lý giải.
Nói về việc thời gian xuất bản nhanh, ông H. cho biết đăng nhanh hay chậm do tạp chí và bài báo phù hợp. "Họ muốn biết thông tin về nước nào đó nên khi có bài họ sẽ ưu tiên xuất bản" - ông H. nói.
Về việc đăng bài trên tạp chí mạo danh, ông H. cho rằng mình không biết pháp lý của tạp chí đó như vậy. "Tôi đã email cho Scopus để hỏi có phải Turcomat mạo danh hay không nhưng họ cũng trả lời không rõ ràng. Ngay cả Scopus cũng không trả lời trang web nào của Turcomat là chính thức thì tôi làm sao biết được đâu là thật đâu là giả" - ông H. nói.
Chúng tôi đề nghị được xem email trả lời của Scopus nhưng ông H. từ chối. Ông H. nói thêm dù đó là tạp chí mạo danh ông đăng bài thì có sao, "có nhận tiền của ai đâu?".
Tuy nhiên, một cán bộ phòng hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học Trường đại học Văn Lang cho biết trường ghi nhận 30 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của ông H.. Trong đó có các bài trên tạp chí Turcomat để làm thủ tục thanh toán thưởng theo quy định của trường.
Các bài báo này đều trải qua quá trình kiểm tra và xác nhận của các bộ phận liên quan, đã và đang thanh quyết toán. Nếu có bài không hợp lệ, tạp chí bị loại khỏi hệ thống ISI/Scopus sẽ không được chấp nhận và bị loại.
600 - 800 USD cho đứng tên chung
Một giảng viên tại Việt Nam liên hệ với một tác giả ở một đại học tại Trung Quốc đứng tên chung với ông H. và chủ động đưa ra mức giá cụ thể để được xuất bản bài báo. Người này trả lời để hỏi lại nhóm của mình.
Trong khi đó, khi giảng viên này đặt vấn đề nhờ giúp đỡ để được xuất bản bài báo, giảng viên một trường đại học tại Pakistan đứng tên chung với ông H. ra giá 600 - 800 USD cho vị trí tên tác giả thứ 5, 6. Ông này nói vị trí tác giả đầu tiên rất đắt.
Trao đổi với chúng tôi, ông H. cho biết có nghe nói việc bỏ tiền để đăng bài nhưng ông chỉ bán chứ không mua bài báo! Theo ông H., ông một lần bán bài báo khoa học của mình nhưng sau đó không bán nữa.
"Ngay cả một cán bộ quản lý ở Trường đại học Văn Lang đề nghị cho đứng tên chung tôi cũng không đồng ý. Với tôi, phải có tham gia mới đứng tên chung" - ông H. nói.
Không khuyến khích đăng tràn lan
Ông Võ Văn Tuấn - phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang - cho biết trường có chính sách khuyến khích, khen thưởng cho giảng viên công bố bài báo trên các tạp chí Scopus, ISI. Một giảng viên mỗi năm có định mức 270 tiết nghiên cứu khoa học. Chỉ cần có một bài báo trên tạp chí Q2, Q3 là đủ chỉ tiêu.
"Chủ trương của trường là đẩy mạnh công bố quốc tế. Chính sách thưởng nhằm khuyến khích giảng viên công bố quốc tế nhưng phải là các tạp chí có Q, đăng trên các tạp chí khoa học chất lượng, trích dẫn nhiều. Trường quan tâm đến chỉ số trích dẫn, từ đó nâng cao vị trí khoa học của trường chứ không khuyến khích đăng tràn lan" - ông Tuấn nói.