Một cảnh của 'Bên trong vỏ kén vàng' – bộ phim của đạo diễn Phạm Thiên Ân xuất sắc nhận giải Camera vàng giành cho phim truyện đầu tay tại Liên hoan Phim Cannes 2023. |
Năm 2023, nhiều hội thảo về điện ảnh có quy mô rộng được tổ chức, với sự chủ trì về chuyên môn của các đơn vị như Cục Điện ảnh, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh…
Tựu chung lại vẫn là nêu thực trạng và giải pháp để điện ảnh nước nhà cất cánh, làm sao để phát triển gắn với thương mại - du lịch - dịch vụ, làm sao để xây dựng công nghiệp điện ảnh. Song giải pháp sẽ vẫn nằm trên giấy nếu không có một chiến lược rõ ràng, với một ban điều hành về chính sách, nhân sự, tài chính, các kế hoạch thực hiện…
Nền điện ảnh bao cấp giờ đây chỉ hiện hữu ở số tiền vài chục tỉ cấp cho các phim sản xuất theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước, còn lại phụ thuộc vào tư nhân. Mà tư nhân thì cũng chưa thấy xuất hiện một đơn vị hay một tập đoàn đủ mạnh để “chống lưng”, giữ vai trò nhà sản xuất “lời ăn lỗ chịu”.
Phần lớn các nhà làm phim vẫn phải kêu gọi vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế không tránh khỏi bị động. Có những dự án phim phải dời kế hoạch sản xuất vì chưa tìm được nhà đầu tư. Áp lực thu hồi vốn khiến cho ranh giới giữa sản phẩm và tác phẩm bị xóa nhòa.
Phim giải trí, câu khách ở quy mô nhỏ thường hiện diện. Nhìn vào đó sẽ thấy gương mặt điện ảnh Việt nhạt nhòa, không bản sắc, thiếu chiều sâu. Sản xuất phim manh mún, tự do, thừa phim dở và ít phim hay.
Trên mặt bằng chung, Liên hoan Phim Việt Nam và giải Cánh diều 2023 vẫn chọn lựa được những tác phẩm phù hợp để trao giải, đánh giá cao những tác phẩm chú trọng yếu tố nghệ thuật.
Điều này là cần thiết, bởi bất cứ ngành nghề nào muốn phát triển thì phải đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu. Và như vậy, vai trò của những người cầm trịch như Ban giám khảo rất quan trọng.
Một bộ phim được làm từ những trăn trở, những nỗi đau, những khao khát, những bất an… sẽ chạm đến nhiều tầng cảm xúc. “Đêm tối rực rỡ” – Cánh diều vàng 2021 là một ví dụ của điện ảnh Việt đương đại khi thành công cả về nghệ thuật và thương mại, đánh dấu mình ở một số liên hoan phim vừa và nhỏ.
Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì phải tăng cường giao lưu, quảng bá, hội nhập. Có lẽ vậy nên ngoài Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội, năm nay có thêm Liên hoan Phim quốc tế Đà Nẵng, Liên hoan Phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Mừng vui vì có những hoạt động điện ảnh quy mô lớn, song cũng có không ít ý kiến băn khoăn rằng liệu có cần nhiều liên hoan phim quốc tế thế không, khi Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội còn đang trong quá trình định vị thương hiệu, mỗi lần tổ chức thì bài toán kinh tế lại làm đau đầu người quản lý.
Tập trung định vị thương hiệu quốc tế cho một liên hoan phim, dốc sức để đào tạo người tài, đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển hạ tầng… Đó có lẽ là điều mà giới làm phim quan tâm, trăn trở.
Với một thị trường đông dân số như nước ta, số lượng phim sản xuất trong nước còn ít, song đề tài và thể loại đã đa dạng hơn. Với “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, lần đầu tiên chúng ta có phim hoạt hình dài phát hành thương mại.
Dù không tránh được những hạn chế như sự đơn giản trong nội dung và ngôn ngữ kể chuyện, song đây là điều rất đáng cổ vũ, đặc biệt với các nhà làm phim hoạt hình tư nhân.
Bên cạnh những đề tài có tính truyền thống, phim chiếu rạp đã bước đầu khai thác những đề tài mới như ma cà rồng (“Người mặt trời” - đạo diễn Tomithy Linh Bùi), quyền lực mạng xã hội (những phim như “Fanti” - đạo diễn Andy Nguyễn, “Live - Phát trực tiếp” của đạo diễn Khương Ngọc).
Thể loại cổ trang, hành động, kinh dị có những bước tiến mới trong hóa trang, tạo dựng bối cảnh, sử dụng kỹ xảo, âm thanh, âm nhạc… Điều đó cho thấy kỹ thuật làm phim đã từng bước được nâng cao.
Bước phát triển này là tất yếu, bởi hiện nay nhiều studio tư nhân ở nước ta đã tiếp cận được gần với công nghệ nước ngoài, tham gia vào quá trình làm hậu kỳ cho phim của Thái, Hàn, Nhật, Mỹ… Nhiều nhà làm phim trẻ đi du học hoặc tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài, có khát vọng góp phần xây dựng nền điện ảnh chuyên nghiệp, hiện đại.
Song có lẽ kịch bản phim và diễn xuất của diễn viên – hai thành phần quan trọng làm nên hồn vía của tác phẩm lại luôn là điểm trừ lớn. Thế hệ những đạo diễn, nhà biên kịch và diễn viên tài hoa của điện ảnh nước nhà những năm 60 - 70 - 80 thế kỷ trước đã thuộc về thời xa vắng.
“Công nghiệp điện ảnh” là cụm từ có 4 chữ. Nhưng để 4 chữ ấy hợp lại thành nghĩa và thăng hoa, hẳn đó là một chặng đường dài mà tất cả cần phải được sắp xếp lại, và bắt tay vào thực tế ngay từ hôm nay.