Cua đồng là món ăn bổ dưỡng, dân giã ở các vùng quê và thành thị nước ta, dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh có cua đồng.
Tác dụng của cua đồng
Cua đồng là loài vật quen thuộc nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng cua đồng cũng là dược liệu dân gian hữu ích với công dụng chữa được rất nhiều loại bệnh.
Báo Điện tử VTV dẫn nguồn cuốn Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (NXB Khoa học và Kỹ thuật), Giáo sư Đoàn Thị Nhu, Phó giáo sư Phạm Duy Mai và PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm đã tập hợp rất nhiều bài thuốc từ y học dân gian trong nước và quốc tế, chỉ rõ sự hữu ích của cua đồng đối với việc điều trị bệnh cho con người.
Theo đó, cua đồng vị mặn, mùi tanh, tính hàn, hơi độc, tác dụng tán kết, hoạt huyết, hàn gắn xương.
Trong kinh nghiệm dân gian, để bồi dưỡng cho trẻ nhỏ cứng cáp, chóng biết đi, người ta dùng cua đồng làm sạch, bỏ chân, càng, mai, yếm, chỉ lấy mình cua rang nhỏ lửa cho vàng và khô.
Các bài thuốc chữa bệnh có cua đồng
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Nguyễn Văn Sáu cho biết, thành phần dinh dưỡng: trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protit; 3,3% lipit; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin... Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ cua đồng:
Chữa trẻ em còi, gân xương yếu: Thịt cua đồng 100g, bột bắp tươi 100g, lòng trắng trứng gà 1 quả, thịt gà, nước luộc gà, gia vị hành, mắm muối vừa đủ nấu súp ngô cua ăn tuần vài lần. Cua tác dụng bổ xương tủy. Bắp bổ tỳ vị, lợi ngũ tạng. Món này rất tốt cho trẻ em còi, chậm lớn, người già xương yếu, nhức mỏi, người suy nhược mới ốm dậy ăn kém...
Chữa hoa mắt chóng mặt: Thịt cua đồng 100g, đậu phụ 50g, cà chua 2 quả, hành hoa, mùi tàu, có thể thêm thịt băm, gia vị vừa đủ nấu canh riêu cua ăn tuần vài lần. Cua tác dụng bổ xương tủy, thông huyết. Đậu phụ giúp tư âm, bổ huyết, thanh hỏa. Cà chua giúp dưỡng âm, mát huyết, thanh nhiệt. Các vị hợp thành món canh ăn ngon bổ mát chữa đau đầu hoa mắt chóng mặt do âm huyết hỏa vượng, người gầy khó lên cân.
Chữa ho tức ngực nhiều mồ hôi:Thịt cua đồng 100g, hoa bí 150g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần. Cua tác dụng bổ mát thông huyết ứ, khử nhiệt tà. Hoa bí giúp thanh nhiệt, mát phế, kiện tỳ, tiêu đàm, liễm mồ hôi. Món canh cua bông bí bổ mát trị chứng nội nhiệt nhiều mồ hôi, ho khan tức ngực. Món này còn giúp giảm được chứng tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.
Chữa chứng phiền nhiệt khó ngủ: Thịt cua đồng 100g, hoa lý 150g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Cua tác dụng bổ thông huyết ứ, trừ phiền nhiệt. Hoa lý giúp dưỡng tâm, an thần dễ ngủ, tiêu viêm, nhẹ người. Món canh vừa thơm ngon mát trị phiền nhiệt khó ngủ và trẻ em chậm lớn, người lớn ăn ngủ kém.
Chữa chứng nóng nhiệt mùa hè:Thịt cua đồng, rau đay, mướp hương, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Rau đay bổ mát nhuận tràng, lợi tiểu, trợ tim. Mướp thanh nhiệt, tiêu viêm, sinh tân dịch. Đây là món canh bổ mát dùng rất tốt phòng trị bệnh mùa hè.
Chữa đau nhức sang thương huyết ứ:Thịt cua đồng 100g, rau rút 100g, rau đắng 100g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Cua có tác dụng bổ xương tủy, thông huyết, mau liền xương. Rau rút lợi gân cốt, mát gan, giải nhiệt, an thần. Rau đắng bổ mát tâm huyết, lợi cơ khớp.
Lưu ý khi sử dụng bài thuốc có cua đồng
Không dùng loại cua đồng mắt đỏ, có lông ở bụng, chấm ở lưng và khoang ở chân.
Không nên uống nước cua sống để tăng sức dẻo dai trong các cuộc thi đấu vật như tập quán của nông dân ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, hoặc chữa ngộ độc sán hay bị ngã ứ huyết như có sách đã nêu, vì cua đồng là vật trung gian nguy hiểm có thể mang ấu trùng gây bệnh sán lá phổi.