Giáo dục

Mùa Hè nhọc nhằn của trẻ vùng sâu

22/06/2024 09:12

Với nhiều trẻ em vùng sâu, xa nơi cửa biển Cà Mau, mùa Hè là thời điểm phải mưu sinh vất vả để phụ giúp gia đình.

Công việc các em làm là bán vé số, bán kẹo bánh dạo, len lỏi vào rừng bắt cua, ốc len, vọp, lượm ve chai... hoặc cùng cha, mẹ ra cửa biển, lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ đánh bắt cá gần bờ.

Nơi trẻ em không có kỳ nghỉ hè

Cửa biển Giá Lồng Đèn thuộc ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nằm giữa bìa rừng phòng hộ với hàng chục gia đình. Đa phần dân ở đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động thời vụ, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, nơi đây nằm cheo leo, lộ giao thông chưa phát triển tới, học sinh đến trường phải đi bằng đò, tốn chi phí rất cao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, sự học của trẻ em tại cửa biển Giá Lồng Đèn mới được duy trì, nhưng cũng rất bấp bênh.

Thời điểm đi học đã khó khăn, mùa Hè đối với học sinh ở đây càng khó khăn hơn. Hằng ngày các em phải theo cha, mẹ hoặc tự vào rừng bắt cua, ốc kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Dù mới học lớp 3, nhưng Nguyễn Khải Minh đã có hai mùa Hè cùng cha đi biển trên chiếc ghe nhỏ đánh bắt gần bờ. “Nghỉ hè con chỉ ra biển, vào rừng, phụ giúp gia đình mưu sinh, ba bốn giờ sáng đã dậy đi ra cửa biển cùng cha, phụ cha chạy máy, đánh lưới. Hôm nào biển động thì con với cha, mẹ đi vào rừng bắt vọp, ốc len... Bữa nào bắt ít thì được ba, bốn ký, nhiều thì được gần chục ký. Đi bắt cua, ốc nguy hiểm là có thể giẫm phải mảnh chai, bị cây cối đâm có khi bị đứt tay, chân. Việc thường xuyên ngâm mình trong nước, sình lầy cũng dễ bị bệnh”, Khải Minh rơm rớm nước mắt kể chuyện mưu sinh.

Bùi Hoàng Mạnh, học sinh lớp 4 cũng thường xuyên theo gia đình mưu sinh trong mùa Hè. “Con thường đi theo bìa rừng lượm ve chai, bắt ốc len, vọp. Cái gì kiếm ra tiền là con làm phụ giúp gia đình. Ngày được 50 -70 nghìn, cũng có khi ít hơn. Mùa Hè mấy bạn con đa phần ai cũng đi làm việc này, việc kia chứ ít khi được đi chơi đây đó. Con vẫn thích đi học hơn nghỉ hè, vì đi học được gặp bạn bè, được vui chơi nhiều hơn”, Hoàng Mạnh chia sẻ.

Tại ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển - điểm tận cùng cực Nam Tổ quốc, cũng có nhiều trẻ em phải mưu sinh vất vả trong mùa Hè. Công việc các em làm là bán vé số, bán kẹo bánh dạo, len lỏi vào rừng bắt cua, ốc len, vọp, lượm ve chai... hoặc cùng cha, mẹ ra cửa biển, lênh đênh trên những chiếc xuồng nhỏ đánh bắt cá gần bờ.

Các em hầu như không có khái niệm nghỉ hè. Mùa Hè của các em là những ngày lội rừng, lội sình hàng cây số... Nhiều em chưa một lần được đến nhà thiếu nhi hay khu vui chơi để biết đến các trò chơi hiện đại như tàu lượn, đu quay, nhà banh, xe lửa...

Em Trần Hoàng Minh, học sinh lớp 3 chia sẻ: “Con ước mơ một lần được đến khu vui chơi dành cho thiếu nhi. Ở quê con toàn chơi những trò chơi như bắn bi, nhảy dây, chọi gà... nhưng thời gian rảnh để cả đám bạn chơi cùng nhau ít lắm vì đứa nào cũng phải đi làm. Có hôm trong quá trình bắt cua, con bị cua kẹp vào tay, sưng đau mấy ngày”.

Trẻ em lặn lội mưu sinh ven sông, ven biển.
Trẻ em lặn lội mưu sinh ven sông, ven biển.
Trẻ em nhặt rác kiếm thêm thu nhập.
Trẻ em nhặt rác kiếm thêm thu nhập.
Trẻ em vào rừng bắt cua, ốc.
Trẻ em vào rừng bắt cua, ốc.
Trẻ vùng sâu, xa rất cần những sân chơi trong dịp hè.
Trẻ vùng sâu, xa rất cần những sân chơi trong dịp hè.

Nuôi dưỡng những ước mơ

Khó khăn, vất vả mưu sinh là thế nhưng nhiều học sinh vùng sâu, xa Cà Mau vẫn khao khát được đến trường, không muốn bỏ học giữa chừng. Nguyễn Khải Minh cho biết, đang cố gắng làm trong những ngày hè để dành dụm tiền đưa cha mẹ cất mua sách vở, quần áo khi vào năm học.

“Con thích đi học, không muốn bỏ học giữa chừng. Đi mò cua, bắt ốc cực lắm nhưng con không dám nghỉ ở nhà vì sợ nghỉ làm thì cha mẹ không đủ tiền cho con đi học”, Minh nói.

Nguyễn Hoàng Khôi, học sinh lớp 5, cho hay, ở đây đi học khó khăn lắm, phải đi đò mấy chục phút mới tới trường, nhưng em vẫn thích đi học hơn. “Nhà nghèo nên con vừa học vừa phụ giúp cha mẹ kiếm tiền. Mỗi mùa Hè con thường kiếm được vài triệu đồng từ công việc bắt ốc, lượm phế liệu. Thời gian qua, con cũng thường được các cô, chú hỗ trợ cặp, sách, tiền đò. Con rất biết ơn những tấm lòng đó, nguyện sẽ cố gắng học giỏi, chăm ngoan”, Hoàng Khôi bày tỏ.

Hiện tại, cửa biển Giá Lồng Đèn có hơn 20 học sinh đang học từ mầm non đến lớp 5, thuộc diện gia đình khó khăn. Các em từ lớp 2 đến lớp 5, ngoài giờ học phải theo cha mẹ mưu sinh, nhất là vào mùa Hè. “Những đứa trẻ ấy trên gương mặt vẫn vẹn nguyên nét ngây thơ trong sáng nhưng đôi bàn chân, bàn tay bé nhỏ đã sớm chai sạn vì lam lũ.

Có ý thức lao động, có trách nhiệm với gia đình, biết phụ giúp cha mẹ khi tuổi còn nhỏ là điều đáng trân trọng, nhưng việc phải lao động sớm khiến các em rất dễ bị tổn thương và gặp nhiều rủi ro về thể chất, dễ dẫn đến nguy cơ bỏ học”, anh Đoàn Kỳ Nam, Phó Bí thư Xã đoàn Tân Tiến, huyện Đầm Dơi chia sẻ.

Anh Trịnh Chí Hải, Bí thư Chi đoàn cơ sở, Đài PTTH Cà Mau cho biết, đơn vị đã có 7 năm vận động nhà hảo tâm hỗ trợ cho học sinh nghèo tại cửa biển Giá Lồng Đèn, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi thông qua các hình thức như tặng học bổng, cặp, sách, áo phao mỗi khi bắt đầu năm học mới. Đặc biệt, đơn vị đã vận động hỗ trợ 50% chi phí tiền đò cho học sinh với số tiền hơn 50 triệu đồng/năm.

“Trong một lần đi công tác, mình thấy hoàn cảnh của các em ở đây thật sự rất khó khăn. Nếu không có sự chung tay hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm thì chắc chắn các em sẽ không thể nào được ăn học đến nơi đến chốn. Ngoài hỗ trợ các em đồ dùng học tập, tiền đò, chi đoàn có dự định là sẽ vận động các nguồn lực xây dựng cho trẻ ở đây sân chơi để các em có những ngày hè thật sự ý nghĩa”, anh Hải chia sẻ.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 3.600 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 14 nghìn trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài những chính sách chăm lo của Nhà nước, các em rất cần được cộng đồng chung tay hỗ trợ để được cắp sách đến trường, vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng, trở thành những người có ích trong xã hội.

Trong dịp hè, chính quyền địa phương, gia đình cần có sự quan tâm quản lý tốt các em, góp phần phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ bị xâm hại, tai nạn, thương tích, để trẻ có mùa Hè vui tươi, ý nghĩa, an toàn, lành mạnh”, bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/mua-he-nhoc-nhan-cua-tre-vung-sau-post688001.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/mua-he-nhoc-nhan-cua-tre-vung-sau-post688001.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa Hè nhọc nhằn của trẻ vùng sâu