BV Việt Đức có thể sớm trở lại mổ phiên
Được biết thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2.000 mặt hàng cần đấu thầu mua sắm phục vụ chẩn đoán, khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khoảng 2/3 trong số đó không có công ty tham gia đấu thầu cung ứng hoặc có giá tham chiếu cao. Vì thế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nhận định khi yêu cầu nêu trên được bãi bỏ, nút thắt về giá được tháo gỡ.
Về vấn đề này GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết nghị quyết đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo ông Giang, nghị quyết cho phép việc mua sắm hóa chất của máy đặt, máy mượn được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. “Về máy tặng, cho từ các tổ chức, cá nhân, trong nước và nước ngoài, khi chưa có Nghị quyết, bệnh viện không có cơ chế để sử dụng được. Từ nay những máy hết hạn liên doanh, liên kết thì tiếp tục được sử dụng, mặc dù chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân nhưng BHYT vẫn thanh toán. Đây là tín hiệu vui vì khắc phục cơ bản việc thiếu máy móc, trang thiết bị phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Liên quan đến xác định giá để thực hiện kế hoạch mua sắm, trước đây quy định yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng theo Nghị quyết mới, chỉ cần đưa lên trang thông tin điện tử của đơn vị, nếu như có 1-2 nhà thầu, các bệnh viện vẫn có thể xác định giá mua được. Trường hợp có nhiều chủng loại khác nhau thì giao Hội đồng Khoa học xác định chất lượng phù hợp, chứ không phải chọn những loại có giá thấp. Chúng tôi rất mừng vì nghị quyết của Chính phủ đã giải quyết cơ bản việc thiếu trang thiết bị y tế hiện nay tại bệnh viện”, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nói.
Theo TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội), điều chỉnh quy định "3 báo giá" khi đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế là nội dung được các bệnh viện tâm đắc nhất. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ, Nghị quyết 30 chấp nhận những hạng mục không đủ 3 báo giá vẫn được đấu thầu sẽ giúp bệnh viện tháo gỡ được 70-80% vướng mắc.
PGS.TS Đào Xuân Cơ cho rằng, bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền sẽ giúp các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy... được triển khai và nâng tầm các kĩ thuật hiện đại do có thể mua được các thiết bị rất quan trọng, chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá. Cũng nhờ nghị quyết mới những máy móc “đắp chiếu” do hỏng hóc bệnh viện sẽ được mua linh kiện sửa chữa mà không đợi 3 báo giá để đấu thầu phần linh kiện này trong khi hãng độc quyền.
Những điểm mới của nghị quyết
“Một điểm mới của Nghị quyết 30/NQ-CP là sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó, không sử dụng được với máy khác) thì nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về. Trong nhiều năm nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa tại bệnh viện đó được sử dụng rất phổ biến.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thông tin thêm, với những trang thiết bị, vật tư y tế cùng chủng loại nhưng có nhiều nhà phân phối, Nghị quyết 30 cho phép chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện xây dựng tính năng, cấu hình kĩ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kĩ thuật do Hội đồng Khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá. “Trước đây, những sản phẩm này đấu thầu theo giá nên các cơ sở y tế có thể mua được sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng kém. Còn Nghị quyết 30/NQ-CP hướng tới việc trước tiên phải lựa chọn được sản phẩm đạt yêu cầu về chuyên môn, sau đó mới xây dựng báo giá để giảm giá gói thầu, đồng thời cũng sẽ loại bỏ trừ những sản phẩm không đảm bảo chất lượng", ông Nguyễn Tường Sơn nói.