Bên cạnh học phí, sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, khoản chi dành cho giáo trình, tài liệu tham khảo cũng là một gánh nặng không nhỏ với tân sinh viên đầu năm học mới, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, ở nông thôn lên thành phố. Do đó, nhiều cách tiết kiệm trong việc sử dụng giáo trình được tân sinh viên tận dụng tối đa.
Với Vũ Thị Nhung, tân sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, săn giáo trình cũ là cách tiết kiệm nhất. Nhung kể, với môn học Kinh tế vi mô ở học kỳ đầu tiên, sinh viên phải học theo giáo trình “Kinh tế vi mô” của tác giả N. Gregory Mankiw do trường dịch thuật, xuất bản bởi Cengage Learning.
Bản sách gốc có giá khá đắt, hơn 280 nghìn đồng và cũng rất khó mua vì nhiều nhà sách báo hết hàng. Do đó, Nhung dành cả buổi săn lùng ở các tiệm sách cũ để mua được cuốn sách với giá hơn 130 nghìn đồng.
“Quả thật không phí công vì giáo trình này viết rất dễ hiểu, lôi cuốn, các khái niệm được định nghĩa rõ ràng, có nhiều ví dụ sinh động, thực tế, rất hữu ích cho dân học kinh doanh như em”, Nhung nói.
Mua giáo trình, sách cũ cũng là cách được nhiều sinh viên áp dụng, nhất là những ngành sử dụng giáo trình thường có nguồn gốc ở nước ngoài như công nghệ, kỹ thuật, y dược…
Bên cạnh đó, sử dụng giáo trình photo cũng là cách giúp sinh viên tiết kiệm chi phí mua sách. Giáo trình dạng này thường được bày bán ở các tiệm photocopy gần các trường. Giáo trình photo thường là những cuốn sách không còn xuất bản, khan hiếm bản gốc hoặc các môn đại cương dùng cho các trường đại học.
“Chỉ cần nói tên môn học, khoa hoặc trường gì là chúng tôi sẽ đưa đúng sách thôi. Tùy độ dày mỏng mà giáo trình chỉ 30 - 40 nghìn đồng. Dùng để học thôi mà, nên bản gốc hay photo cũng đâu quan trọng gì, nội dung như nhau”, anh T., chủ một tiệm photocopy ở Quận 5, TPHCM nói.
Quan sát cho thấy tiệm photocopy ở gần Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TPHCM rất đông sinh viên nên anh T. bán giáo trình photo khá chạy, đặc biệt các môn đại cương.
Ở những trường quy định cấm sử dụng tài liệu photocopy trong quá trình học hoặc mang vào phòng thi (dạng đề mở), song vẫn không muốn mua giáo trình gốc để tiết kiệm chi phí, nhiều tân sinh viên tìm mượn sách ở thư viện hoặc mượn sinh viên khóa trước.
“Học kỳ này em không tốn tiền mua giáo trình vì em mượn thư viện trường và thư viện trung tâm Đại học Quốc gia TPHCM. Khi nào gần hết hạn thì gia hạn để mượn tiếp, hoàn thành xong môn học thì gửi lại thư viện”, Võ Hoàng Nhân, sinh viên một trường thuộc Đại học Quốc gia TPHCM ở TP Thủ Đức nói.
“Trong năm học này, nhiều trường đại học triển khai hệ thống thư viện giáo trình, tài liệu số. Chẳng hạn, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM biên soạn các bộ giáo trình, tài liệu, sử dụng trực tiếp cho các học phần bao gồm nội dung lý thuyết, bài tập, tình huống. Sinh viên đóng một khoản phí để được cấp tài khoản đăng nhập, sử dụng giáo trình online, không cần in ra. Ngoài ra, các trường đại học thường tổ chức ngày hội tặng sách và giáo trình cho sinh viên, các gian hàng bán sách giảm giá. Các trung tâm, nhà sách thuộc các đại học thường giảm 20 - 30% giá bìa cho sinh viên chính quy trong trường”.