Người dân đi mua vàng lấy Vía Thần tài.
Trong dòng người ra vào tới tấp tại “con phố vàng” Trần Nhân Tông (Hà Nội), chị Bảo Trang, một khách hàng sốt ruột cho biết đang ngồi trên đống lửa vì mới mấy ngày, chị đã mất gần 20 triệu đồng vì “ôm” vàng Thần tài. “Tôi không làm ăn buôn bán gì, nhưng thấy mọi người chen nhau xếp hàng mua vàng nên cũng mua theo. Thấy những năm trước, giá vàng cứ tăng vùn vụt, nhất là trong ngày chính hội Mùng 10, nên năm nay, ngay từ phiên mở hàng ngày mùng 6 Tết, tôi đã gom tất cả tiền tích cóp để mua vàng, đợi đến ngày Mùng 10 thì bán ra. Ai dè, năm nay giá vàng sau 2 phiên tăng đã liên tục đi xuống, nhìn mỗi ngày, tiền triệu rơi khỏi túi đúng là quá xót xa. 5 cây vàng tôi mua từ hôm mùng 6, giờ mỗi cây mất tới hơn 3 triệu đồng, thực sự quá xót ruột. Tài đâu không thấy, chỉ thấy tai họa mất tiền. Từ nay xin cạch không dám a dua theo phong trào nữa”, chị Trang thất thần chia sẻ.
Thực vậy, chuyện của chị Bảo Trang không phải là cá biệt. Theo chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam), thì năm nay, chị không đi mua vàng xin vía Thần tài nữa. “Từng đi mua vàng ngày này trong ba năm liên tiếp (từ 2018 đến 2021) với tâm lý giống như nhiều người khác, nhưng tôi nhận ra rằng, bản thân mình trong ba năm đó chẳng hề phát tài, sung túc hơn. Thậm chí, tôi còn nghèo đi cả về tinh thần lẫn vật chất. Hai năm nay, tôi không còn mất thời gian vào việc ra tiệm vàng xếp hàng từ sáng sớm để mua vàng như trước đây nữa. Điều đó vừa mất thời gian, vừa mệt mỏi do chờ đông người, vừa mất nhiều tiền do giá vàng bị tăng cao, mua xong là lỗ luôn, bản thân cũng không hề phát tài, may mắn”, chị Huyền cho biết.
Năm nay, việc giá vàng “quay xe” giảm sâu trước và trong ngày Vía Thần Tài được cho là điều lạ. Các năm trước, giá vàng thường tăng cao trước và trong ngày lễ, sau đó liên tục giảm sâu khi hết hội. Cụ thể, ngày Vía Thần tài 2019 (14/2/2019), vàng SJC ghi nhận mức giá 36,75-37,07 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra. Ngày 15/2, giá vàng SJC ở mức 36,66 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,88 triệu đồng/lượng (bán ra). Tức, giảm 90 nghìn đồng chiều mua vào và giảm 190 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với ngày Vía Thần tài. Ngày Vía Thần tài 2020 (3/2/2020), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,42 triệu đồng/lượng (bán ra). Tới 14h30' ngày 4/2, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 43,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,07 triệu đồng/lượng (bán ra).
Như vậy, so với phiên trước đó, giá vàng SJC giảm 50 nghìn đồng chiều mua vào, còn chiều bán ra giảm 350 nghìn đồng/lượng. Đến năm 2021, ngày Vía Thần tài (21/2/2021) giá vàng SJC ở mức 55,67 triệu đồng/lượng ở mua vào và 56,37 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Sang đến ngày hôm sau, giá vàng SJC niêm yết cho khu vực Hà Nội thời điểm 14h30 ở mức 55,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,22 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 30 nghìn đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 150 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với phiên trước đó.
Ngày Vía Thần tài năm 2022 (10/2/2022), giá vàng SJC ở mức 61,65 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 62,67 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Sang ngày 11/2, giá vàng SJC lúc 14h45' ở mức 61,35 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 62,07 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tức, giảm 300-600 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra so với ngày Vía Thần tài.
Vì sao biết “ngậm đắng”, nhiều người vẫn mua vàng ngày Vía Thần tài?
Rõ ràng người mua vàng lấy may nhưng năm nào cũng chịu thiệt. Dẫu điều này đã được cảnh báo, song nhiều người vẫn cố đấm ăn xôi, cộng thêm các “chiêu trò” câu khách của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, biến một thói quen của bộ phận người buôn bán thành “truyền thống văn hóa” khiến nhiều người không chịu tìm hiểu đã vội chạy theo phong trào để rồi thiệt hại. Theo số liệu thống kê các năm trước đây, lượng giao dịch, chủ yếu là bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh vàng tăng vọt, điều này đồng nghĩa với doanh thu và lợi nhuận của các thương nhân này tăng theo cấp số nhân. Câu chuyện không hề mới và đã được các phương tiện truyền thông, cũng như các chuyên gia kinh tế, văn hóa cảnh báo, song nhiều người vẫn bị các chiêu trò của các doanh nghiệp kinh doanh vàng làm “mờ mắt”.
Ngay như việc xếp hàng từ 3h sáng, chờ đợi tới 3h đồng hồ trong cái lạnh dưới 10 độ C ở Hà Nội chỉ để mua vàng đã là điều không hợp lý. Theo quan sát của nhóm PV, nhiều người tuy đến xếp hàng mua vàng, song dù bên trong vắng người hoặc những người ở sau đã vào giao dịch xong, những người này vẫn mải mê bấm điện thoại cả buổi. Thậm chí, có người còn ngồi từ buổi sáng, đến chiều vẫn thấy ngồi “xếp hàng”?
Bình luận về thói quen mua vàng ngày Vía Thần tài, các chuyên gia văn hoá lưu ý, mua vàng cầu may dịp Vía Thần tài là nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, quan niệm ngày Vía Thần tài xuất phát từ Trung Quốc lại không liên quan đến mua vàng. Nếu coi việc mua vàng có tính chất cầu may vào ngày Vía Thần tài thì chỉ mua một lượng nhỏ vì giá vàng ngày này thường tăng cao. Còn nếu mua tích sản thì nên chọn thời điểm khác, giá phù hợp hơn.
“Ngày Vía Thần tài, giá vàng tăng cao sẽ tạo cơ hội cho người kinh doanh vàng thu lợi nhuận. Sau ngày Vía Thần tài, người mua chịu thiệt thòi bởi giá vàng có xu hướng giảm mạnh. Vì vậy, người dân nên cân nhắc việc có nên mua vàng trong ngày Vía Thần tài hay không để tránh mất tiền, mất thời gian”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo.