Mùa Hè, nhiều sinh viên đã lựa chọn đến thư viện, phòng đa năng, giảng đường của nhà trường hay những địa điểm như quán cà phê có điều hòa để học bài...
Trong phòng trọ chưa đầy 25m2, Đào Thị Hương Giang - sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung, Trường Đại học Phương Đông đã dùng mọi cách để làm mát căn phòng, nhưng vẫn nóng hầm hập. Chính vì vậy, Giang và bạn đã lựa chọn tá túc cả ngày ở thư viện của trường để học bài cũng như tránh nóng.
Hương Giang chia sẻ: “Phòng trọ thấp, chật chội, lợp bằng mái bloximăng nên mùa Hè rất nóng. Cho dù, em đã dùng quạt điện, lau chùi bằng nước thường xuyên nhưng vẫn không khá hơn. Mùa Hè cùng khiến điện, tăng gấp đôi, gấp ba, vì vậy chi phí sinh hoạt của chúng em tăng. Để gia đình không phải lo lắng về khoản phí phát sinh ngoài thời gian học ở giảng đường, em và bạn đã lựa chọn thư viện để học ôn bài và tránh nóng”.
Hằng ngày, 8 giờ sáng Hương Giang ra khỏi nhà, mua tạm bánh mỳ để buổi trưa ăn tại trường và học, chờ đến khi nhiệt độ giảm mới về nhà nấu ăn và vệ sinh cá nhân. “Nhiều hôm, em rời thư viện lúc 21 giờ”, Hương Giang chia sẻ và cho biết thêm, những ngày nắng nóng, em thường di chuyển bằng phương tiện công cộng nhằm tiết kiệm được khoản tiền xăng xe. Tuy không nhiều nhưng phần nào giúp em có thêm tiền chi trả các chi phí phát sinh khi số điện, nước tăng.
Tương tự, Đào Xuân Dương - sinh viên ngành Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dành tối đa thời gian ở trường. Để “đổi gió”, thỉnh thoảng nam sinh lựa chọn ra quán cà phê học bài và tránh nóng. Xuân Dương chia sẻ: “Có hôm em ở trường tới 10 giờ đêm mới về, chỉ dám mở điều hòa 1 - 2 tiếng sau đó thay bằng quạt điện nhằm tiết kiệm điện”.
Rút kinh nghiệm từ những mùa Hè trước, Ngô Thị Tú - sinh viên năm hai, ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Đại học Thăng Long đã lập một kế hoạch cụ thể để tránh nóng những ngày hè. Theo đó, ngay sau khi ra Tết, Tú đã tìm phòng trọ gần trường để giảm chi phí đi lại, xăng xe… nhờ bố mẹ mua thực phẩm gửi từ quê lên để tiết kiệm.
Tú chia sẻ: “Mùa Hè, nhiều người thường lựa chọn mua các loại chè giải nhiệt. Còn em tự nấu các loại chè truyền thống như đậu đen, đậu xanh và bỏ tủ lạnh ăn trong 2 - 3 ngày. Đồng thời, khi ở lại thư viện học và tránh nóng em sẽ chọn mang cơm thay vì ăn ngoài”.
Sinh viên Khoa Ngôn ngữ Trung, Trường Đại học Phương Đông tận dụng chậu nước và quạt để làm mát tại phòng trọ. Ảnh: NT |
Nhiệt độ tăng cao trong mùa Hè khiến việc học tập, sinh hoạt của sinh viên trở nên vất vả, đặc biệt là giai đoạn ôn tập chuẩn bị cho thi kết thúc môn học. Trước tình hình này, các nhà trường đã tăng cường nhiều giải pháp để giúp học trò có không gian học tập thoáng mát cũng như tránh nắng nóng.
Tại Trường Đại học Thủy lợi, các thiết bị điều hòa, quạt, chiếu sáng ở các giảng đường, phòng tự học được nhà trường kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng để phục vụ sinh viên học tập. Riêng các nhà đa năng, thư viện sẽ được mở cửa đến 10 giờ đêm cho sinh viên học tập, nghiên cứu.
Thạc sĩ Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi cho biết: “Mùa nắng nóng, nhiều sinh viên ở trọ thường đến trường để học và tránh nóng. Bởi vậy, trước khi mùa Hè đến nhà trường đã cho kiểm tra, tu sửa và thay thế các thiết bị làm mát bị hư hỏng. Đồng thời, lưu ý thư viện mở cửa sớm hơn”.
Còn tại Trường Cao đẳng Hoa Sen, giải pháp tránh nóng được nhà trường áp dụng là trồng nhiều cây xanh, tạo không khí mát mẻ cho sinh viên khi đến học, các giảng đường, thư viện hay phòng tự học cũng được lắp đặt thiết bị làm mát.
ThS Lê Thiên Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hoa Sen cho biết: “Toàn bộ các phòng học của nhà trường đều trang bị hệ thống máy lạnh phục vụ liên tục sinh viên trong suốt quá trình học theo thời khóa biểu. Để hỗ trợ thêm cho sinh viên ở xa hoặc các bạn muốn có thêm không gian học nhóm tại trường, nhà trường có đầu tư “phòng tự học” cho sinh viên.
Phòng này được trang bị sách, hệ thống wifi và máy lạnh phục vụ sinh viên đến 17 giờ 30 phút hàng ngày. Hiện tại, phòng tự học của Trường Cao đẳng Hoa Sen với không gian rộng, thoáng mát, yên tĩnh là địa điểm check-in chống nóng của các sinh viên, cũng là nơi giúp sinh viên tự học, tự nghiên cứu khoa học ngoài giờ lên lớp, đặc biệt là chuẩn bị cho các kỳ thi”.
“Với phương châm đào tạo sinh viên vững tay nghề, giao tiếp tốt, nhà trường luôn mong muốn và khuyến khích sinh viên đến trường ngoài giờ học theo thời khóa biểu để tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động đội nhóm khác. Do đó, chỉ cần sinh viên đến trường là “không sợ nóng”, mà còn thu nạp thêm được nhiều kiến thức bổ ích”, ThS Lê Thiên Huy cho biết.
“Thời điểm này nhiều môn học đang bước vào giai đoạn thi kết thúc môn, chúng tôi cũng muốn tạo môi trường học, ôn thi thoải mái, mát mẻ cho sinh viên để đạt được kết quả cao”, ThS Đặng Hương Giang chia sẻ.