Năm nay, Quân bất ngờ khi số lượng người tham gia chương trình lên đến 100 người, gấp đôi so với năm ngoái, trong đó có cả một số bạn sinh viên nước ngoài.
19h, chương trình bắt đầu với tiệc buffet bàn tròn. Các món ăn truyền thống trong mâm cỗ Tết Việt được bày biện trên bàn như nem rán, chả giò, giò lụa, giò xào, xôi… để mọi người tùy ý lựa chọn.
“Sau đó, chúng mình chơi lô tô khá vui, thưởng thức các tiết mục văn nghệ và cùng nhau chơi trò chơi truyền thống. Tuy nhiên, năm nay, không khí tại chương trình có vẻ trầm hơn năm ngoái. Khi một bạn nữ cất tiếng hát bài Ước mơ của mẹ, cả căn phòng như trùng xuống, có lẽ mọi người đều đang nhớ mẹ, nhớ gia đình”, Quân kể.
Ăn Tết ở Mỹ nhưng Quân vẫn có cơ hội chơi lô tô và nghe hát "Ước mơ của mẹ". Ảnh: NVCC. |
Đây là năm thứ 2 Quân đón Tết Nguyên đán tại Mỹ, tuy nhiên, nam sinh vẫn chưa quen với việc đón Tết xa nhà này. Dù ngày nào cũng gọi về nhà, Quân vẫn dễ tủi thân khi một mình nơi đất khách.
Khác với Quân, Hồ Phụng (học viên cao học tại Hà Lan) đã ăn cái Tết thứ 10 tại quốc gia này. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên cô được tham dự chương trình Xuân Quê hương được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Tham gia với cô còn có Bảo Châu (sinh viên năm 1 tại ĐH Erasmus Rotterdam) và nhiều du học sinh khác.
“Chương trình này cũng là lần đầu tiên được tổ chức bởi Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Quy mô khách mời khoảng 400 người, trong đó có 60-70 sinh viên. Dù đã tham gia rất nhiều bữa tiệc tất niên tại Hà Lan, nhưng hiếm bữa tiệc nào khiến mình có cảm giác trang trọng như vậy”, Phụng cho hay.
Điều đặc biệt hiếm thấy cô nhận ra khi tham gia bữa tiệc này là truyền thống và văn hóa Việt được truyền tải bởi Đại sứ quán.
“Tại bữa tiệc, chúng mình diện áo dài, được hát quốc ca và nghe Đại sứ Phạm Việt Anh nói về truyền thống, văn hóa Việt và các chương trình ý nghĩa mình chưa nghe đến như các lớp học dạy tiếng Việt cho trẻ em các gia đình kiều bào sống tại đây”,
Bữa tiệc có rất nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, chả giò, giò lụa, xôi… Tất cả món ăn đều được đóng góp bởi kiều bào Việt Nam tại Hà Lan. Tại bữa tiệc, phu nhân đại sứ Việt Nam tại Hà Lan cũng tự tay gọt hoa quả mời khách.
Mặc dù được mời theo diện khách mời nhưng Phụng và các bạn trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam đã quyết định đến sớm và góp công cho bữa tiệc như bê đồ, bày bàn, rót trà nước…
“Tụi mình cũng góp vui bằng tiết mục văn nghệ ‘60 năm cuộc đời’. Mọi người rất hưởng ứng với tụi mình - một đám du học sinh chưa sống được một nửa 60 năm nhưng hát bài ‘60 năm cuộc đời’”, Phụng nhớ lại.
Phụng (áo dài hoa) cùng các bạn sinh viên trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam trong bữa tiệc tất niên tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hà Lan. Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam. |
Với Bảo Châu, đây là Tết đầu tiên cô ăn Tết xa nhà. Năm nay, thay vì dọn nhà và trang trí Tết cùng gia đình, Châu chỉ tự mình dọn căn phòng nhỏ tại Hà Lan và vùi đầu vào ôn tập cho bài thi cuối kỳ sẽ diễn ra vào mùng 2 Tết.
Bỏ qua cảm giác tủi thân, nhớ nhà, cô cho hay mình rất vui khi được diện áo dài tham gia bữa tiệc tại Đại sứ quán cùng các du học sinh khác.
“Món ăn hôm đó tại đại sứ quán khá giống với hương vị món ăn quê nhà. Càng ăn, mình càng thấy xúc động và nhớ gia đình”, Châu chia sẻ.
Bên cạnh tham gia bữa tiệc vào ngày 15/1 với Đại sứ quán, ngày 28/1 tới, Hội Sinh viên Việt Nam tại Rotterdam cũng sẽ tổ chức bữa tiệc năm mới khác. Nhiều năm tham gia chương trình này, Phụng cho biết cô có thể làm nhiều điều mình thích với các bạn sinh viên đồng hương cùng lứa tuổi.
“Sau khi ăn uống, tụi mình sẽ chơi đánh bài, lô tô. Ai thích chụp hình thì có cả quầy chụp hình được trang trí ‘rất Việt’. Trong các bữa tiệc tất niên thì với mình, tiệc tất niên với hội sinh viên vẫn là vui nhất”, cô hào hứng kể.
Tuy nhiên, Phụng vẫn hy vọng cô sẽ có cơ hội một lần nữa được ăn Tết lại tại Việt Nam. Với cô, Tết ở Việt Nam vẫn có một không khí riêng mà không ở bất kỳ nơi nào có được.