“Cuộc đời tôi gắn liền với cây thốt nốt. Tôi lớn lên nhờ nó và hiện nó cũng là nguồn sống của cả gia đình tôi” - anh Tín nói.
Theo anh Tín, anh đã có kinh nghiệm trèo thốt nốt được khoảng 20 năm nay và nghề được nối nghiệp từ cha anh.
“Cực lắm! Tối ngày như khỉ leo cây. Biết là nguy hiểm nhưng cũng phải bám nghề thôi vì không có đất sản xuất và cũng không biết làm nghề gì khác nữa” - anh Tín chia sẻ.
Số cây thốt nốt này là anh thuê lại của người chú với giá 4 triệu đồng/50 cây/năm. Thời điểm rộ như hiện nay mỗi cây cho 10-20 lít nước mật, nước được lấy từ hoa của cây chứ không phải từ trái.
Mỗi ngày hai buổi đều đặn, anh Tín đi trèo cây lấy mật, công việc bắt đầu từ 2-3 giờ sáng đến tờ mờ tối. Nước thốt nốt lấy được, gia đình anh tự nấu thành đường bán.
Theo anh Tín, dù thốt nốt không tốn nhiều công chăm sóc nhưng để cây cho nước và lấy được nước thì rất công phu và phức tạp.
“Không phải tự nhiên mà cây cho nước. Trước khi lấy nước thì phải trèo lên để kẹp bông, kích nước. Ủ bông 2-3 ngày sau lại trèo lên hớt mặt để kiểm tra nếu không có nước thì phải ủ tiếp rồi sau đó mới lên lấy nước” - anh Tín nói rồi lại tiếp tục công việc hứng mật.
Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng theo người dân, thốt nốt cho thu nhập ổn định nên vẫn còn rất đông người đeo đuổi nghiệp trèo cây thốt nốt.
Ở cánh đồng đối diện, một người đàn ông khoảng 60 tuổi cũng đang hì hục trèo từ ngọn thốt nốt xuống đất.
Cầm trên tay bốn can nhựa chứa đầy nước thốt nốt tươi, thơm, người đàn ông đầy vẻ mãn nguyện nói: “Đây là nước lấy từ cây cái, ngọt hơn, ngon hơn và cho nhiều đường hơn. Nhiêu đây cũng hơn chục lít rồi”.
Qua hỏi thăm, được biết người đàn ông tên Nguyễn Văn Đan (59 tuổi), có thâm niên 44 năm làm nghề trèo cây thốt nốt.
Theo ông Đan, nhờ có thốt nốt mà cuộc sống gia đình ông được ổn định và khấm khá hơn. Không đơn giản là kế sinh nhai, nghề trèo cây thốt nốt đã ăn sâu vào máu thịt nên dù ở tuổi này nhưng cứ vào mùa cao điểm thì ông Đan lại ngày ba buổi sáng, chiều, tối trên ngọn thốt nốt.
20 năm cây thốt nốt mới cho trái và nước Giữa mảnh đất khô cằn, sỏi đá, cây thốt nốt được xem là giống cây trời ban, là kế sinh nhai bền vững. Bởi tất cả bộ phận của cây thốt nốt đều được bà con tận dụng từ thân, lá, bông, quả… Thốt nốt thuộc cây thân gỗ, cao hàng chục mét, trái kết thành chùm hàng chục quả với màu tím lịm, trong là cơm màu trắng đục. Đặc biệt thốt nốt còn cho một thứ nước ngọt và thơm phức. Để cây cho trái và nước thì người trồng phải mất đến khoảng 20 năm. Còn để thu hoạch được những loại quả từ thốt nốt thì người dân còn phải mạo hiểm tính mạng, đánh đu trên những ngọn cây cao chót vót. |