Nếu mô hình đầu tư kiểu này thành công, Mỹ có thể rót tiền vào các dự án khác do công ty của các nước đối tác đảm nhận, theo CSMP. "Đây có thể là một phần trong bức tranh lớn hơn. Không chỉ là một khoản đầu tư đơn giản", ông Nestrovic nói thêm.
Dự án xây cảng container dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm tới.
Trong nhiều năm, Ấn Độ và Trung Quốc đã cạnh tranh ảnh hưởng ở Sri Lanka - quốc gia có vị trí chiến lược gần các tuyến đường biển lớn của Ấn Độ Dương.
Chỉ riêng trong năm ngoái, Ấn Độ đã chi khoảng 4 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và nhân đạo cho Sri Lanka. Ấn Độ cũng cam kết theo đuổi đầu tư lâu dài ở Sri Lanka, bao gồm lĩnh vực năng lượng xanh và mở rộng bến cảng tại Trincomalee - vùng đông bắc Sri Lanka - để biến khu vực này trở thành một cảng biển lớn.
"Trung Quốc đã vận hành một cảng biển ở Sri Lanka và nếu không có tập đoàn Adani, Trung Quốc có thể thâu tóm chuỗi hàng hóa vận chuyển nhờ cạnh tranh về chi phí", một giám đốc điều hành ngành vận tải ở Ấn Độ nói, bày tỏ hi vọng tập đoàn sẽ tiếp tục tham gia các dự án xây cảng biển trên khắp châu Á.
Theo các nhà phân tích, lý do chính phủ Mỹ đầu tư vào dự án xây cảng container của tập đoàn Adani là vì dự án sẽ được xúc tiến nhanh hơn so với nếu như do công ty nhà nước Ấn Độ đảm nhận.
Aditya Gowdara Shivamurthy, thành viên Quỹ Nghiên cứu Quan sát viên có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ), nói hợp tác Mỹ - Ấn Độ theo cách này đang là xu hướng mới. "Ấn Độ biết Mỹ có công nghệ và nguồn tài chính. Mỹ biết Ấn Độ có kinh nghiệm và am hiểu môi trường kinh đoanh ở các nước được đầu tư".
Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường King College ở London (Anh), nói: "Mỹ nhìn nhận thực tế là Trung Quốc đã mở rộng đầu tư ở các nước đang phát triển từ trước và đang phối hợp với Ấn Độ để tạo ra một kết quả tích cực".
Ngược lại, Ấn Độ cũng không thể tự mình cạnh tranh với nguồn đầu tư khổng lồ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương. "Nếu không hợp tác với các nước đối tác như Mỹ, rất khó để tạo ra sự cân bằng", giáo sư Pant nói.
"Ấn Độ cùng với nhóm Bộ Tứ, bên cạnh Mỹ, Nhật Bản và Úc đang cụ thể hóa chiến lược đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sẽ còn có thêm các dự án đầu tư tương tự", ông Pant nói thêm.