Công nghiệp quốc phòng Nga dù không có nhiều bước đột phá nhưng vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.
Đứng ngay sau Nga là Pháp – một trong những quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nhất châu Âu và được cho là đang thách thức vị trí Nga. Theo một số ước tính, vào cuối năm 2022, Pháp có nhiều vũ khí được đặt hàng xuất khẩu hơn Nga.
Trong khi đó, trong giai đoạn 2018-2022, Pháp chiếm 11% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu, cao hơn 44% so với giai đoạn 2013-2017. Phần lớn vũ khí của Pháp được chuyển đến châu Á và châu Đại Dương (44%) và Trung Đông (34%). Pháp đã giao vũ khí cho 62 quốc gia từ năm 2018 đến năm 2022, với ba quốc gia nhận nhiều nhất là Ấn Độ, Qatar và Ai Cập.
Trong số đó, Ấn Độ nổi lên là khách hàng quân sự lớn nhất của Pháp trong giai đoạn này. Ngoài ra, vào năm 2022, Pháp đã ký một thỏa thuận với Indonesia về việc cung cấp 42 máy bay chiến đấu.
Các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Pháp là: Airbus SE; Naval Group; Thales; Safran; và Dassault.
Xếp vị trí thứ 4 là Trung Quốc – quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng có thể được xem là lớn nhất ở châu Á với 5,2% tổng xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong năm 2018–2022. Phần lớn vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc (80%) là sang các nước ở châu Á và châu Đại Dương.
Trung Quốc đã cung cấp vũ khí cho 46 quốc gia trong năm 2018–2022, với 54% số hàng xuất khẩu đó là sang Pakistan.
Ở Đông Nam Á, Trung Quốc cung cấp vũ khí chủ yếu cho 6 quốc gia: Myanmar, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Thái Lan.
Bắc Kinh cũng bán vũ khí cho một số nước châu Phi: đặc biệt là Cộng hòa Trung Phi, Djibouti, Ethiopia và Sudan. Tuy nhiên, doanh số bán hàng cho khu vực này chỉ chiếm khoảng 19% xuất khẩu của Trung Quốc. Châu Mỹ Latinh là một điểm đến khác của vũ khí Trung Quốc: Argentina, Bolivia và Venezuela đều nhận được vũ khí Trung Quốc hoặc các dịch vụ an ninh tư nhân.
Vũ khí Trung Quốc cũng đang dần chiếm thị phần của các nước phương Tây nhất là tại thị trường các nước đang phát triển.
Năm tập đoàn quốc phòng hàng đầu của Trung Quốc bao gồm: Tập đoàn công nghiệp phương Bắc (Norinco); Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC); China Electronics Technology Group Corporation (CETC); China South Industries Group Corporation (CSGC) (xe hạng nhẹ và súng) và Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không Trung Quốc.
Đứng vị trí top 5 là Đức chiếm 4,2% tổng nguồn cung vũ khí toàn cầu trong năm 2018–2022, thấp hơn 35% so với năm 2013–17. Phần lớn vũ khí của Đức được chuyển đến các quốc gia ở Trung Đông (36%), châu Á và châu Đại Dương (32%) và châu Âu (20%). Các khách hàng lớn nhất của quốc gia này là Hà Lan, Mỹ và Anh, cũng như Qatar, Oman, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine mang lại lợi ích cho các nhà thầu quốc phòng của Đức, nhưng quốc gia này cũng đang phải đối mặt với những hạn chế nhất định, bị tê liệt bởi quá trình phi công nghiệp hóa, suy thoái kinh tế đang diễn ra và sự không chắc chắn xung quanh nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai.
Năm nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đức là: Rheinmetall AG; Krauss-Maffai Wegman (KMW); MBDA Deutschland GmbH; Leonardo SpA; và Thyssenkrupp AG.