Giáo dục

Nắm bắt tư tưởng của sinh viên: Không để 'mất bò mới lo làm chuồng'

27/05/2024 07:43

Thực tế, sinh viên - những trí thức tương lai của đất nước - cũng dễ “nhiễm” các thông tin xấu, độc...

Trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp cùng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, các thông tin xấu, độc, sai sự thật có “đất” phát triển. Thực tế, sinh viên - những trí thức tương lai của đất nước - cũng dễ “nhiễm” các thông tin xấu, độc nếu không được hướng dẫn, định hướng đúng đắn.

Nhiều “trò đùa” vô thức

Khoảng cuối tháng 4/2024, sau khi tòa tuyên án sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác, trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, TikTok xuất hiện trend (xu hướng) “ra khơi truy tìm kho báu 673.000 tỷ đồng”.

Trend này xuất hiện từ một nội dung trôi nổi trên mạng xã hội: “Khi được tòa hỏi giấu 673.000 tỷ đồng ở đâu, bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời rằng: Các ngươi muốn của cải của ta ư? Ta giấu ngoài biển khơi ấy, ngươi muốn thì ra đó mà tìm”. Theo ghi nhận, có hàng trăm tài khoản trên mạng xã hội đã đăng bài viết kèm hình ảnh, video đi tìm kho báu này.

Nhiều người ngộ nhận câu chuyện này (bao gồm cả câu trả lời về việc giấu của cải ngoài biển khơi của bà Trương Mỹ Lan) là có thật. Trong những người tham gia trend, có không ít bạn trẻ, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng.

Theo các chuyên gia, bước chân vào đại học, sinh viên ra khỏi sự quản lý của nhà trường và gia đình để hòa nhịp vào cuộc sống tập thể trong ký túc xá, ở trọ. Họ bắt đầu cuộc sống tự lập, tự quản và tập thể.

Sinh viên thường khá nhanh nhạy trong việc tiếp thu các thông tin mới, cũng như những luồng tư tưởng mới trong xã hội, song khả năng phân tích và chọn lọc còn có những hạn chế. Trong thực tế, nhiều sinh viên còn chưa hiểu sâu về chính trị, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, nên dễ dao động, dễ bị lôi kéo...

Một luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đã có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng gửi đến các cơ quan chức năng.

Theo luật sư, dù đoạn video cắt ghép nhưng được thực hiện một cách công phu, bài bản; tạo dư luận xấu, làm giảm đi sự uy nghiêm của tòa án. Không những vậy, đoạn video đã xúc phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của bà Trương Mỹ Lan.

Để ngăn chặn những tác động xấu cho người dân và xã hội, luật sư đề nghị các cơ quan xác minh, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm người thực hiện hành vi để răn đe và phòng ngừa chung. Sau phản ứng của luật sư, trend này tạm ngưng trên mạng xã hội.

Khi được hỏi vì sao tham gia trend nêu trên trên kênh TikTok, N.M.H (20 tuổi, sinh viên một trường đại học tại TPHCM), vô tư nói rằng: “Em thấy nhiều người làm nên bắt chước làm theo và thấy nó rất vui”. Tuy nhiên, khi được biết thông tin tạo ra trend này là hoàn toàn bịa đặt, H đã vội xóa bài đăng trên TikTok và tỏ ra nuối tiếc.

“Thực sự do bản thân em chưa kiểm chứng rõ thông tin và cũng không nghĩ đến hậu quả của việc chạy đua theo trend. Em nghĩ đây là bài học cho việc tiếp nhận thông tin sau này”, nam sinh chia sẻ.

Cách đây chưa đầy một năm, tháng 7/2023, N.L.T.T (19 tuổi, sinh viên tại TPHCM) bị Tòa án Quân sự Quân khu 7 tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Đưa trái phép thông tin mạng máy tính”. Trước đó, mặc dù không biết nội dung vụ việc, không tiến hành kiểm chứng, nhưng N.L.T.T trực tiếp duyệt, chỉnh sửa và đăng tải bài viết do người không rõ lai lịch gửi đến.

Bài viết bịa đặt về việc xảy ra vụ hiếp dâm nữ sinh viên học giáo dục quốc phòng tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh - Trường Quân sự Quân khu 7. Được đăng trên một trang Confession, lập tức tin này thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác, gây hoang mang dư luận. Trong số này, không ít lượt tương tác, chia sẻ đến từ sinh viên các trường đại học. Nhiều bạn trẻ không kiểm chứng thông tin, tin vào thông tin trôi nổi trên mạng xã hội, vội vã lan tỏa đến nhiều người khác.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mạnh Tùng
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Đến những thông tin độc, xấu, thù địch trên mạng

Theo số liệu thống kê trong năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% tổng dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 70 triệu, tương đương với 71% tổng dân số. Những mạng xã hội được nhiều người dùng nhất là Facebook, YouTube, Zalo, TikTok. Nhiều người sử dụng đồng thời nhiều mạng xã hội với những mục đích khác nhau như chia sẻ video, chia sẻ thông tin, hình ảnh, thảo luận, nhắn tin, xem các video lạ hoặc vui nhộn, giải trí…

Sự phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội cũng là “miếng mồi” cho những phần tử xấu, lợi dụng sự lan truyền thông tin nhanh chóng dẫn đến sự lệch lạc về tư tưởng cho sinh viên. Đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm về việc nắm bắt tư tưởng, dư luận trong sinh viên, đặc biệt trên không gian mạng.

Tại Tọa đàm khoa học: “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong sinh viên, học sinh và người lao động” do Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM phối hợp cùng Đảng ủy Trường Đại học Ngân hàng tổ chức, TS Lê Thế Tài - Trường Đại học Luật TPHCM đã có bài tham luận đề cập sâu đến vấn đề nhận diện hoạt động “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa thông qua truyền thông xã hội với các thế lực thù địch.

Theo TS Lê Thế Tài, sinh viên là lớp người năng động, luôn chủ động, tích cực cho việc chuẩn bị hành trang cho tương lai của mình. Bên cạnh những gì sinh viên chịu ảnh hưởng do tiếp nhận sự trao truyền, giáo dục của thế hệ trước, họ luôn có lựa chọn riêng cho mình. Ngoài ảnh hưởng từ cộng đồng, gia đình hay quốc gia - dân tộc, trong thời đại toàn cầu hóa, sinh viên còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố văn hóa, tri thức, kinh nghiệm và lựa chọn của các cộng đồng, cá nhân khác trên thế giới.

Với những điều kiện đó, sinh viên thường có xu hướng thử nghiệm nhiều khả năng, nhiều lựa chọn, ngay cả khi họ còn chưa chuẩn bị tốt cho những thử nghiệm đó, vì đối với họ, có phạm sai lầm vẫn có cơ hội làm lại, thử nghiệm lại. Vì vậy, phần đông sinh viên thường có xu hướng mạnh dạn, chủ động đưa ra sự lựa chọn cho bản thân, mạnh dạn đương đầu với những khó khăn, dám thử nghiệm, làm khác lối mòn của thế hệ trước.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của các chuyên gia, những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa đối với sinh viên thời gian vừa qua là tập trung vào một số vấn đề như: Thâm nhập vào tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên nhằm phá vỡ các tổ chức này; đưa các xuất bản phẩm đồi trụy, phản động vào đời sống tinh thần của sinh viên; lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” về tư tưởng, văn hóa.

Nhiều đối tượng đã len lỏi vào các ký túc xá sinh viên, giảng đường, đến các hội thảo khoa học, thông qua Internet... lôi kéo, kích động, nhằm tạo sự bất ổn về chính trị tư tưởng, làm cơ sở cho những vụ gây rối trật tự an ninh trong đời sống sinh viên và trong xã hội thời gian qua.

Hơn nữa, nếu như trước kia, các thế lực thù địch lợi dụng các hình thức chống phá truyền thống như tuyên truyền “rỉ tai” với mục đích “mưa dầm thấm lâu” bằng tờ rơi, báo chí, phát thanh... thì ngày nay, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội để tấn công vào thanh niên. Những nhóm này ra sức đăng tải các bài viết, blog, hình ảnh, video... trên mạng xã hội để đưa các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống.

Sinh viên tham gia chiến dịch Mùa hè xanh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023. Ảnh: Việt Dũng
Sinh viên tham gia chiến dịch Mùa hè xanh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM năm 2023. Ảnh: Việt Dũng

Kết hợp giữa “xây” và “chống”

Công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận trong sinh viên, từ đó có những định hướng đúng đắn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng ủy, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên của các trường đại học thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua.

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, Đảng ủy thường xuyên phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến toàn thể đảng viên. Bên cạnh đó, Đảng ủy còn ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch để nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong sinh viên. Liên quan đến một số sự kiện nóng, nhà trường sẽ có báo cáo đột xuất về dư luận xã hội và đưa ra các thông cáo báo chí kịp thời, đầy đủ.

Trong khi đó, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM xây dựng kế hoạch truyền thông giáo dục, xử lý khủng hoảng truyền thông trong các hoạt động trực tuyến, từ đó nắm bắt thông tin, tư tưởng, dư luận trong sinh viên. ThS Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên nhà trường cho biết, fanpage “Trường Đại học Nông Lâm TPHCM” (@NongLamUniversity) là kênh thông tin có tích xanh của nhà trường trên Facebook, chỉ do nhà trường đăng tải.

Đây là một trong những kênh để nhà trường chuyển tải thông tin chính thống đến sinh viên. Mọi thông tin đăng tải trên kênh này đều là thông tin chính thống, chuẩn xác, không vi phạm các quy định của nhà trường và của pháp luật.

Bên cạnh fanpage của nhà trường, từng khóa sinh viên, các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm cũng có những kênh thông tin riêng. Thông tin trên các nhóm này do nhà trường, Phòng Công tác sinh viên, Phòng Thông tin - Truyền thông hoặc các cá nhân thành viên đăng tải, dưới sự kiểm duyệt của ban quản trị các nhóm. Ngoài kênh truyền thông qua mạng xã hội Facebook, thông tin đến với sinh viên còn qua kênh chính thống, đó là trang web chính thức của trường, các phòng, ban, khoa, bộ môn.

ThS Đặng Kiên Cường cũng nhấn mạnh vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường, Phòng Công tác sinh viên trong công tác truyền thông, nắm bắt tư tưởng, dư luận trong sinh viên. Theo đó, Phòng Công tác sinh viên và các phòng, ban liên quan sẽ thường xuyên phối hợp, theo dõi, nắm bắt và định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn cho sinh viên.

Phòng Công tác sinh viên cũng theo dõi và phát hiện kịp thời những tình huống các đối tượng lợi dụng Facebook và các mạng xã hội khác nhằm lôi kéo hoặc chống phá với các luận điệu xuyên tạc, phản động. Đoàn Thanh niên tổ chức hội nghị giao ban dư luận xã hội hằng quý để nắm tình hình dư luận trong đoàn viên, thanh niên; kịp thời thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước, kịp thời định hướng những quan điểm tiêu cực.

“Nhà trường cũng duy trì lực lượng nòng cốt của Đoàn trường trong việc nắm bắt, định hướng tư tưởng trong đoàn viên, thanh niên. Hiện nay, khoảng 50 thành viên nòng cốt được Đoàn trường phân bổ về các khu vực như ký túc xá, các khu trọ, khu chợ nhỏ…, đặc biệt theo dõi các nhóm trên mạng xã hội được quan tâm và cập nhật thường xuyên”, ThS Đặng Kiên Cường cho hay.

Tương tự, tại Đại học Kinh tế TPHCM, việc nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội sinh viên nói chung và sinh viên nhà trường nói riêng được xác định là nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Việc nắm bắt tư tưởng, dư luận sinh viên được phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên, bộ phận công tác sinh viên và hỗ trợ người học, ký túc xá, phòng truyền thông… Nhà trường cũng ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc nắm bắt tư tưởng, dư luận sinh viên.

Từ thực tiễn hoạt động, ThS Đặng Kiên Cường cho rằng, các trường cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp để quản lý các kênh mạng xã hội chính thống, có đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp về nội dung, video, hình ảnh để tăng thu hút với người theo dõi. Nhà trường cũng cần xây dựng cơ chế xử lý các tình huống bất thường về an ninh trên mạng xã hội, xây dựng tốt mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc nắm bắt tư tưởng, dư luận và định hướng hành động đúng đắn cho sinh viên.

Theo ThS Đặng Thùy Khánh Vân - Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM, thời gian qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên ở các trường trong khối đạt được nhiều kết quả tốt. Một số hoạt động tiêu biểu mang tính sáng tạo đã được áp dụng trong diện rộng. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát huy cả các giải pháp truyền thống và các giải pháp mới mang tính thời đại.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nam-bat-tu-tuong-cua-sinh-vien-khong-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-post684573.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nam-bat-tu-tuong-cua-sinh-vien-khong-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-post684573.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nắm bắt tư tưởng của sinh viên: Không để 'mất bò mới lo làm chuồng'