Vào cuộc quyết liệt
Ở tỉnh Quảng Ninh, ngay nhiệm kỳ đầu của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 2020 – 2025, hàng loạt quyết sách quan trọng được đưa ra, đặc biệt là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ ưu đãi chế độ đối với giảng viên đại học cho đến chính sách dành cho sinh viên các chuyên ngành, nghề thuộc diện thu hút đào tạo sẽ được hỗ trợ tối đa đến 30 triệu đồng dựa theo kết quả trúng tuyển đầu vào Trường Đại học Hạ Long.
Quảng Ninh đang định hướng cơ cấu kinh tế trong 5 - 10 năm tới nhằm dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, nguồn nhân lực mà tỉnh cần trong thời gian tới là nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung nhiều ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp như hàng không, du lịch lữ hành, logistics, công nghệ thông tin.
Trong khi đó tại đất học Nam Định, tâm lý chung của người dân vẫn nặng bằng cấp và ưu tiên cho con em theo học các trường đại học. Ông Trần Lê Đoài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng: Để hài hòa cơ cấu lao động cho địa phương, mục tiêu mà tỉnh Nam Định đưa ra là đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT theo học trình độ cao đẳng.
Trong giai đoạn 2015 - 2021, Nam Định chú trọng tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; công nghiệp và xây dựng; tài nguyên và môi trường; y tế và giáo dục; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; khoa học xã hội và nhân văn.
Năm 2021, Yên Bái đã thực hiện chính sách hỗ trợ 70% học phí đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiếu số tốt nghiệp THPT tham gia học trình độ cao đẳng, trung cấp theo Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh. UBND tỉnh Yên Bái cũng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động.
Trong đó chú trọng tạo nguồn lao động, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo, đẩy mạnh phân luồng học sinh từ THCS và THPT vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.