Giáo dục

Năm học 2023-2024 và dấu ấn triển khai Chương trình GDPT 2018

18/08/2024 21:18

Năm học 2023-2024, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phê duyệt đúng lộ trình và bảo đảm chất lượng SGK

Bộ GD&ĐT cho biết, triển khai Chương trình GDPT 2018, đặc biệt đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trong năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành phê duyệt theo đúng lộ trình và đảm bảo chất lượng danh mục SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11; tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 4, lớp 8, lớp 11 sử dụng trong cơ sở GDPT năm học 2023 - 2024 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 5, 9, 12 để chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025.

Bộ GD&ĐT cũng hoàn thành, phê duyệt SGK và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3; tài liệu hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số “Hướng dẫn dạy học tăng cường tiếng Việt 5 (tài liệu dành cho học sinh lớp 5 vùng dân tộc thiểu số).

Tháo gỡ, khắc phục được khó khăn do các giáo viên (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phê duyệt một số Chương trình tích hợp.

Thực hiện quy định GD&ĐT về việc lựa chọn SGK, các địa phương đã kịp thời ban hành quy định tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT trên địa bàn để tổ chức lựa chọn SGK.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các sở GD&ĐT, các nhà xuất bản và các đơn vị liên kết tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý trong việc sử dụng SGK; yêu cầu các nhà xuất bản cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng SGK đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK vào đầu năm học.

Đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình GDPT 2018

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã triển khai đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 nhằm đánh giá thực trạng, kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai được chỉ ra; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 những năm tiếp theo.

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, thống nhất chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 đảm bảo lộ trình và tiến độ triển khai.

Bộ GD&ĐT đồng thời, ban hành Kế hoạch của ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 của Chính phủ, nhằm thống nhất chỉ đạo trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đổi mới chương trình, SGK GDPT; đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP đảm bảo lộ trình và tiến độ triển khai.

Căn cứ các hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học đã được Bộ GD&ĐT ban hành, các sở GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, vừa đảm bảo tính khoa học, sư phạm, vừa đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018.

Kế hoạch giáo dục nhà trường đảm bảo thống nhất giữa kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2018 và kế hoạch thực hiện Chương trình GDPT 2006, tích hợp lồng ghép các nội dung dạy học với các hoạt động trải nghiệm khác để tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đảm bảo mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Một số địa phương đã chú trọng việc xây dựng và thực hiện các chủ đề/bài học STEM đối với một số môn học phù hợp nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động của học sinh trong quá trình tổ chức dạy học và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; bước đầu triển khai giáo dục kỹ năng công dân số.

CT 2018.jpg
Cô trò Trường TH-THCS A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

100% trường tiểu học dạy Ngoại ngữ 1, Tin học ở lớp 3, lớp 4

Để triển khai tổ chức dạy học Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4 theo quy định của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Đối với những nơi đặc biệt khó khăn trong công tác tuyển dụng, bổ sung giáo viên do thiếu nguồn tuyển dụng, các địa phương đã thực hiện triển khai giải pháp bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục tiểu học.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau như vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn tiếng Anh để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học trực tiếp qua lớp học ảo; trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau; …

Kết quả, năm học 2023 - 2024, 100% các cơ sở giáo dục tiểu học trong cả nước đã tổ chức dạy Ngoại ngữ 1, Tin học bắt buộc ở lớp 3 và lớp 4. Tỷ lệ lớp 3, lớp 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85% (chỉ còn 0,15% lớp 3, lớp 4 tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa chưa được học đủ 04 tiết/tuần).

Số lớp 1 và lớp 2 được làm quen tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được duy trì và đạt tỷ lệ hơn 70% trong số lớp 1 và lớp 2.

Kết quả trên là sự cố gắng, nỗ lực của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố, các Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT và quyết tâm thực hiện của các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tích cực sử dụng các hình thức xã hội hóa để tổ chức học tự chọn tiếng Anh; tăng thời lượng học tiếng Anh; dạy học tiếng Anh qua các chủ đề Toán và Khoa học; dạy học một số môn học bằng tiếng Anh; tăng cường thực hành tiếng Anh thông qua các hoạt động như đọc truyện, hoạt động trải nghiệm, …

Tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi chuyển trường

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các môn học và chuyên đề học tập lựa chọn cho học sinh được các trường thực hiện đúng theo quy định.

Tất cả các trường THPT căn cứ vào thực tế giáo viên hiện có, phòng học của nhà trường, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm và nguyện vọng của học sinh tổ chức xây dựng kế hoạch bố trí học sinh theo các nhóm môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển trường và tiếp nhận cho các đối tượng học sinh có nguyện vọng theo đúng quy định.

Trong đó nhấn mạnh một số nội dung như việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào SGK được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến; có giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp học tiếp theo.

Bộ GD&ĐT đồng thời lưu ý các địa phương một số hồ sơ, thủ tục đã được bãi bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi chuyển trường.

CT 2018.1.jpg
Cô trò Trường TH-THCS A Xing, Hướng Hóa, Quảng Trị.

Thực hiện hiệu quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng

Triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giai đoạn 2018 - 2025”, hầu hết các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT theo hướng mở.

Đồng thời, thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong chương trình GDPT hiện hành phù hợp với Chương trình GDPT 2018; thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Các cơ sở giáo dục đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung cấp và cơ sở dạy nghề tại địa phương cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động để có cơ sở định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Năm học 2023 - 2024, có khoảng 74,5% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, còn lại khoảng 25,5% học sinh tốt nghiệp THCS theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được cải thiện

Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của học sinh phổ thông ngày càng được cải thiện, nhất là việc phát triển năng lực tiếp cận tri thức mới, khả năng sáng tạo, tự học của học sinh.

Công tác thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức các đoàn học sinh giỏi tham dự Olympic quốc tế và khu vực tiếp tục được đổi mới ở tất cả các khâu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm nghiêm túc, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia phản ánh chính xác, khách quan chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi của địa phương, góp phần nâng cao thành tích của các đội tuyển học sinh giỏi Việt Nam dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

Kết quả, tính đến nay Đoàn tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 tại Hoa Kỳ đã giành được 1 giải nhì (đây là giải cao nhất học sinh Việt Nam giành được kể từ năm 2013 đến nay).

Các đoàn dự thi Olympic khu vực và quốc tế đã giành được 10 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; trong đó, đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; đội tuyển Olympic Hoá học quốc tế đứng thứ 2/89 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Thành tích xuất sắc của các đội tuyển tiếp tục khẳng định chất lượng GDPT và sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường; đồng thời, khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng tập huấn học sinh giỏi; tạo ảnh hưởng, tác động to lớn, lan tỏa rộng rãi, thúc đẩy giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bên cạnh đó, kết quả các cuộc đánh giá quốc gia kết quả học tập của học sinh và các chương trình đánh giá quốc tế cho thấy chất lượng GDPT nước ta đang từng bước được cải thiện và nâng cao, ở mức khá tốt so với khu vực và thế giới; giúp cung cấp cơ sở dữ liệu đánh giá kết quả giáo dục, đề ra giải pháp cải thiện chất lượng dạy và học.

Cùng các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp trong Chương trình GDPT 2018 như môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí, nội dung giáo dục địa phương; tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp… ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Việc tổ chức các hoạt động trong giờ học đôi khi vẫn còn có biểu hiện hình thức, thiếu hiệu quả, chưa đúng bản chất.

Một số địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương về Bộ GD&ĐT chậm so với quy định; chất lượng tài liệu còn hạn chế. Một số địa phương còn chậm ban hành danh mục SGK do các cơ sở GDPT lựa chọn. Nhiều trường còn thiếu các phòng chức năng tối thiểu; thiếu sân chơi, bãi tập; thiếu khu vệ sinh, hoặc có nhưng chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định...

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nam-hoc-2023-2024-va-dau-an-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-2018-post697233.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nam-hoc-2023-2024-va-dau-an-trien-khai-chuong-trinh-gdpt-2018-post697233.html
Bài liên quan
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời kiến nghị về việc thống nhất một bộ sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm học 2023-2024 và dấu ấn triển khai Chương trình GDPT 2018