Gia Bảo trúng tuyển ngành Kinh tế của Đại học Stanford, top 6 thế giới, một năm sau khi chị gái nhập học ngành Toán và Khoa học máy tính ở đây.
Nguyễn Quốc Gia Bảo, học sinh trường Quốc tế Concordia, Hà Nội, nhận thư báo trúng tuyển hồi cuối tháng trước. Theo xếp hạng đại học QS và THE, ngôi trường danh tiếng nước Mỹ ở vị trí thứ 6 thế giới năm 2025. Tỷ lệ chấp nhận của Stanford khoảng 3,7%.
"Nỗ lực chuẩn bị hồ sơ từ 4 năm trước cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng", Gia Bảo chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ của nam sinh, nói hạnh phúc vì trước đó con gái lớn là Nguyễn Quỳnh Anh, cũng trúng tuyển Đại học Stanford, ngành Toán và Khoa học máy tính.
"Tôi động viên Bảo nộp hồ sơ vào trường để gần chị gái, nhưng cũng không dám nghĩ con trúng tuyển", chị Hạnh kể. Theo chị, hai con có điểm chung là khả năng tự học, tự xác định hướng đi. Quỳnh Anh cầu tiến, luôn chủ động hỏi bài thầy cô và xin bài tập nâng cao. Bảo cũng noi theo chị, cả hai tự giác bảo ban nhau học tập.
"Có vẻ như việc chị gái đỗ trường top càng khiến Bảo có động lực", chị nhìn nhận. "Tôi không có bí quyết đặc biệt khi dạy các con học, vì không đủ trình độ tiếng Anh, trong khi chương trình quốc tế nặng. Như nhiều phụ huynh khác, tôi cố gắng tìm môi trường tốt, thầy cô giỏi và hỗ trợ các con đi học thêm".
Gia Bảo cho hay ước mơ du học và chuẩn bị hồ sơ từ lớp 9. Bộ hồ sơ của em như mọi du học sinh Mỹ khác, gồm bảng điểm, thư động lực, bài luận, hoạt động ngoại khóa. Vì xác định theo ngành Kinh tế, Bảo tham gia khởi nghiệp. Dự án mà em tâm đắc là mô hình kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường trong ngành thủy sản, giúp giảm thiểu rác thải nhựa và hỗ trợ ngư dân ven biển. Chẳng hạn sản xuất lưới đánh cá phân hủy sinh học hay vật liệu xây dựng từ nhựa tái chế.
"Em không chỉ là được tiếp cận thực tế mà còn là niềm vui khi nhìn thấy một ý tưởng nhỏ được hiện thực hóa, tác động tích cực đến cộng đồng", Bảo nói.
Trong thư động lực, nam sinh viết về hành trình từ Nghệ An ra Hà Nội của gia đình, cũng như định hướng theo đuổi ngành Kinh tế, thông qua các đoạn hội thoại với người khác. Bảo thích nhất một đoạn mô tả về bố và cách ông khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, là niềm cổ vũ với em khi thực hiện các dự án về kinh doanh.
"Em thể hiện nhiều khía cạnh của bản thân, thông qua các khoảnh khắc trong cuộc sống gia đình, học tập và hoạt động ngoại khóa", Bảo cho hay.
Với bài luận, Đại học Stanford yêu cầu nam sinh trả lời năm câu hỏi, về lý do chọn trường, mong muốn nghề nghiệp, các hoạt động ngoại khóa đã làm, cuộc sống hàng ngày, và "giới thiệu bản thân với người bạn cùng phòng".
"Nó rất khó và lạ", nam sinh đánh giá về bài luận cuối, cho biết đã viết 11 bản nháp mới ưng ý. Ban đầu, Bảo muốn thể hiện mình là người thích công nghệ, chuyển đổi xanh qua hoạt động kinh tế, dùng nhiều từ chuyên ngành trong lĩnh vực. Nhưng khi xem lại tổng thể hồ sơ, Bảo thấy câu trả lời của mình chưa phù hợp.
"Câu hỏi này nhằm cho em thể hiện mình là người như thế nào trong đời sống hàng ngày và phù hợp với khuôn viên trường ra sao", nam sinh nhìn nhận. Do đó, Bảo chuyển hướng, cho thấy mình thân thiện với các sở thích như chơi đàn guitar, uống cà phê, mê bóng chuyền...
Bảo sau đó được mời vào vòng phỏng vấn với đại diện trường. Theo Bảo, các câu hỏi không xoay quanh thành tích mà tập trung vào cách ứng viên nhìn nhận cuộc sống, vượt qua khó khăn và đưa ra quyết định.
"Em không ôn luyện quá nhiều cho vòng này, mà muốn giữ sự chân thật, cởi mở, coi buổi phỏng vấn như một cuộc trò chuyện thân mật", Bảo cho hay. "Điều này đã giúp em để lại ấn tượng tốt".
Thầy Ben Compton, cố vấn học thuật của Giao Bảo tại trường, đánh giá học trò thông minh, có khả năng nghiên cứu, có ý thức về môi trường và kinh doanh bền vững. Thầy cho biết nam sinh từng thực hiện 5 dự án liên quan.
"Tôi được truyền cảm hứng bởi những học sinh như Bảo. Em ấy vừa học xuất sắc, vừa biết áp dụng kiến thức để tác động tích cực đến người khác", thầy nói.
Nhìn lại, Bảo nhận thấy tâm đắc nhất là đã thể hiện mình một cách cởi mở, qua cả bài luận và vòng phỏng vấn.
"Mình thể hiện các khía cạnh của bản thân một cách chân thành, sẽ khiến người ta chú ý tới hồ sơ của mình từ đầu đến cuối", nam sinh đúc rút.
Bảo đặt mục tiêu hoàn thành sớm các môn đại cương và đi thực tập vào mùa hè năm sau.
"Mình muốn phát triển bản thân không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng ra công nghệ và khởi nghiệp bền vững, mang tính sáng tạo để có giá trị xã hội lâu dài", Bảo nói.