Nam thanh niên 22 tuổi ở Hà Nội gặp trái đắng vì có nhiều bạn tình

12/08/2023, 15:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

L.M.H (22 tuổi, Hà Nội) có nhiều bạn tình và không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, kết quả phát hiện nhiễm nhiều tác nhân lây truyền bệnh mà không hề có triệu chứng.

Cảnh giác mắc các bệnh truyền nhiễm từ nguyên nhân có nhiều bạn tình

Do có nhiều bạn tình, không sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, chưa xuất hiện dấu hiệu bất thường nào khác, nhưng để an tâm, anh L.M.H đã đi khám.

BS.CKI Vũ Đình Phốt - Chuyên khoa Ngoại - Nam khoa thăm khám nam khoa tinh hoàn hai bên của bệnh nhân chưa thấy dấu hiệu bất thường nào, nhưng dựa vào dấu hiệu và thông tin “vàng” là có nhiều bạn tình nên bác sĩ đã tư vấn bệnh nhân làm các xét nghiệm kiểm tra các bệnh truyền nhiễm gồm HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, 12 tác nhân lây truyền qua đường tình dục và xét nghiệm HPV.

Nam thanh niên 22 tuổi ở Hà Nội gặp trái đắng vì có nhiều bạn tình - 1

(Ảnh minh họa).

Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có nhiễm vi khuẩn Mycoplasma và Ureaplasma (là hai vi khuẩn không có vách tế bào, chúng gây ra viêm niệu đạo qua hoạt động tình dục). Ngoài ra, Mycoplasma pneumoniae có thể gây viêm phổi cộng đồng mắc phải. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 7 - 28 ngày.

Theo BS Phốt, 70% trường hợp mắc Ureaplasma và Mycoplasma không có triệu chứng lâm sàng, hoặc nếu có biểu hiện có thể xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, tiểu khó nhẹ, chảy dịch niệu đạo màu trắng, ngứa dọc niệu đạo.

Triệu chứng thường nhẹ, biểu hiện rõ rệt vào buổi sáng, gây viêm đỏ lỗ miệng sáo, tạo vết bẩn ở quần áo lót. Vì vậy, việc điều trị là quan trọng và cần thiết.

PGS.TS Nguyễn Thái Sơn, chuyên gia Vi sinh - Sinh học phân tử cho biết, do mắc vi khuẩn này phần lớn không có triệu chứng, nhưng vẫn âm thầm tiến triển và gây hậu quả xa, do vậy nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nghiêm trọng như viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm túi tinh, u xơ tuyến tiền liệt ở nam giới. Ở nữ giới là viêm buồng trứng, vòi trứng và cổ tử cung, hậu quả xa là dẫn tới vô sinh.

Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc các vi khuẩn này cần được điều trị nhằm bảo vệ chính người bệnh, bảo vệ cộng đồng. Vì biến chứng ở mỗi cá thể là rất khác nhau, cụ thể ở trường hợp này là mang mầm bệnh không triệu chứng nên điều trị là cần thiết với hai ý nghĩa là bảo vệ cá thể và bảo vệ cộng đồng (vợ/chồng, bạn tình).

Theo PGS.TS Nguyễn Thái Sơn, do bệnh có khả năng kháng kháng sinh nên sau 21 ngày điều trị, bệnh nhân cần xét nghiệm lại để đánh giá. Nếu kết quả còn dương tính thì phải nuôi cấy, làm kháng sinh đồ để điều trị tiếp theo.

Đặc biệt, chuyên gia lưu ý, ở bệnh nhân này phát hiện mắc cùng lúc nhiều vi khuẩn nên phác đồ điều trị phải là phác đồ điều trị phối hợp và điều trị cần qua hai giai đoạn.

Cảnh giác những bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây nhiễm qua đường tình dục

Có rất nhiều căn bệnh lây qua đường tình dục phổ biến như Chlamydia, bệnh lậu, bệnh Trichomonas vaginalis, herpes sinh dục, sùi mào gà, u nhú sinh dục, rận mu, HIV/AIDS, viêm gan B... Và những tác nhân khác gây bệnh như Mycoplasma, Ureplasma là những vi khuẩn rất nhỏ, tìm thấy ở đường sinh dục ở cả nam và nữ.

Khi cơ thể mắc một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục đó, thường có những biểu hiện bất thường như:

Đối với nữ: có triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu có mủ, âm đạo có mùi khó chịu; đau khi quan hệ; ra máu sau quan hệ; sung nề cơ quan sinh dục.

Đối với nam: có triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu có mủ… đau niệu đạo khi đi tiểu.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, hoặc khi cơ thể có sức đề kháng mạnh thì những dấu hiệu này có thể không biểu hiện rõ ràng khiến bệnh diễn biến thầm nặng và gây những hậu quả nặng nề.

Theo các chuyên gia, bệnh lây truyền qua đường tình dục dễ lây lan từ người bệnh sang người lành bằng nhiều con đường như quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo, hoặc chạm vào bộ phận sinh dục. Chúng có thể truyền từ người này sang người khác qua máu, tinh dịch và âm đạo. Ngoài ra, có thể lây lan qua các con đường khác như từ mẹ sang con khi mang thai, hoặc khi sinh con, thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, tiếp xúc với máu hoặc truyền máu bị nhiễm bệnh...

Vì vậy, để kiểm soát cơ thể có mắc các bệnh truyền nhiễm hay không, những người nên đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bất thường, hoặc nên được kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm/lần nếu:

- Có quan hệ tình dục không an toàn;

-Có nhiều bạn tình;

- Có triệu chứng của bệnh;

- Dùng chung dụng cụ tiêm, truyền.

Những cách phòng tránh lây nhiễm

Để phòng tránh và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, người dân cần thực hiện những cách sau:

Sử dụng các biện pháp bảo vệ để tránh mắc bệnh lây qua đường tình dục như dùng bao cao su khi quan hệ;

Chung thủy một vợ một chồng để bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, nếu có nhiều bạn tình nên khuyên bạn tình đi kiểm tra sức khỏe;

Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Trước và sau khi quan hệ tình dục, cần vệ sinh vùng kín sạch sẽ để đảm bảo an toàn tình dục;

Khám kiểm tra sức khỏe định kỳ: nếu bạn đang trong độ tuổi và có hoạt động tình dục.

Không nên dùng chung các đồ dùng cá nhân;

Không dùng chung các vật dụng cá nhân như kim tiêm, đồ chơi tình dục hoặc bất cứ thứ gì khác vì đây là con đường ngắn nhất để lây nhiễm bệnh lây qua đường tình dục.

Tiêm phòng các bệnh lây qua đường tình dục: HPV, viêm gan B.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam thanh niên 22 tuổi ở Hà Nội gặp trái đắng vì có nhiều bạn tình