Trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, không đồng bộ do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa phương chưa thể đáp ứng kịp thời. Nhiều điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, chưa phủ sóng mạng Internet gây khó khăn cho giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Trên bình diện chung, Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng 49,7%. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT (số liệu giai đoạn 2011 - 2022), về trang thiết bị dạy học vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cấp mầm non đáp ứng 49,1%, cấp tiểu học đáp ứng 48,4%, cấp THCS đáp ứng 49,7%, cấp THPT đáp ứng 51,6%.
Vùng thuận lợi như Đồng bằng sông Hồng cũng tồn tại tình trạng thiếu nhiều trang thiết bị dạy học. Báo cáo của Bộ GD&ĐT, cấp tiểu học, vẫn có 5/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước, đó là: Nam Định (35,5%), Hà Nội (50%), Quảng Ninh (51,4%), Vĩnh Phúc (52,5%), Ninh Bình (54,9%). Cấp THCS có 4/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước, cụ thể: Quảng Ninh (43,7%), Hà Nội (52,2%), Thái Bình (53,6%), Hưng Yên (54,2%). Cấp THPT, 5/11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu thấp hơn bình quân cả nước; trong đó: Nam Định (33%), Hà Nam (39,8%), Hưng Yên (45,1%), Vĩnh Phúc (52,7%), Hải Dương (54,9%).
Tỷ lệ học sinh/trường các cấp học năm học 2020 - 2021. Nguồn: Tổng hợp từ niên giám thống kê và CSDL ngành |
Dù điều kiện kinh tế, giáo dục phát triển hàng đầu cả nước, nhưng mật độ dân số cao trở thành áp lực lớn với giáo dục - đào tạo các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Giai đoạn 2011 - 2022, sĩ số học sinh/lớp của vùng này cao hơn so với bình quân cả nước.
Trong đó, sĩ số học sinh/lớp cấp tiểu học và THCS đứng thứ hai trong các vùng kinh tế - xã hội (chỉ sau vùng Đông Nam Bộ) và cao hơn bình quân cả nước lần lượt là 4,56 và 1,23. Sĩ số học sinh/lớp cấp THPT cao hơn 1,38 so với bình quân cả nước và đứng đầu cả nước. Sĩ số học sinh trên lớp đông là một cản trở không nhỏ đối với quyết tâm nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Tiêu biểu, nhiều trường trong nội thành Hà Nội có sĩ số từ 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi 60 học sinh/lớp, vượt xa số lượng quy định trong điều lệ (trường tiểu học: 35 học sinh/lớp; THCS 45 học sinh/lớp). Những quận căng thẳng về sĩ số nhất phải kể đến Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Ba Đình...
Tới năm học 2022 - 2023, tình trạng quá tải trường lớp cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều địa bàn tại Hà Nội, đặc biệt là những quận huyện có tốc độ đô thị hóa mạnh, tập trung nhiều chung cư cao tầng. Câu chuyện sĩ số chính là bài toán nan giải nhiều năm nay mà giáo dục Thủ đô chưa khắc phục được.
Tương tự, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp cao nhất cả nước; đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước. Dù kết cấu hạ tầng các cấp học đã được quan tâm đầu tư; tuy nhiên, do tốc độ tăng dân số cơ học nhanh tại thành phố lớn, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục.
Khu vực đông dân cư, khu đô thị mới ở một số địa phương vẫn còn thiếu trường, lớp dẫn đến tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cấp tiểu học, vùng này có 943,15 học sinh/trường (cao hơn trung bình toàn quốc là 355,95); 37,02 học sinh/lớp (cao hơn 5,71 so với bình quân cả nước).
Cấp THCS có 1158,14 học sinh/trường (cao gấp hơn 2 lần so trung bình toàn quốc là 553,40); 40,4 học sinh/lớp (cao hơn 2,98 so với bình quân cả nước). Cấp THPT là 1079,93 học sinh/trường (cao hơn trung bình toàn quốc là 133,46); 39,15/lớp (cao hơn 0,71 so với bình quân cả nước).
Có nhiều khu công nghiệp, tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, Bình Dương là địa phương chịu áp lực khá lớn về sĩ số học sinh, trong đó TP Dĩ An là một trong những điểm nóng. Thông tin từ Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Dĩ An, ông Nguyễn Văn Minh, dù đã bớt căng thẳng hơn những năm trước do nhiều công nhân không có việc làm chuyển về quê, nhưng hiện đa số các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều vượt quá sĩ số so với quy định trong Điều lệ.
Cụ thể, với tiểu học, nhiều trường có sĩ số từ 40 - 45 học sinh /lớp, cá biệt có trường, lớp lên tới 46 - 47 học sinh/lớp. THCS, sĩ số học sinh trên lớp khoảng 50. Trường có quy mô lớn nhất trên địa bàn là Tiểu học Tân Bình với trên 70 lớp. Do sĩ số học sinh đông, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học 2 buổi/ngày.
“Hiện TP Dĩ An có 3 - 4 trường tiểu học không bảo đảm toàn bộ học sinh được học 2 buổi/ngày. Trước khó khăn này, phòng GD&ĐT tham mưu UBND tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và 1 trường tiểu học mới khánh thành; 1 trường tiểu học giữa năm sau hoàn thành và 1 trường THCS đang xây dựng”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Từ năm học 2022 - 2023, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đối với phòng học bộ môn Tin học ở nhiều địa phương, số lượng máy tính mới chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, được trang bị từ lâu, không đồng bộ, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới để đáp ứng nhu cầu dạy học. Đối với phòng học bộ môn Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.