Ngoài ra, theo Los Angeles Times, cũng đã phát hiện các bác sĩ Iran cấy ghép thận cho những người nước ngoài giả mạo giấy tờ tùy thân của người Iran. Tuy nhiên, không dễ để đạt được những “giao dịch xuyên quốc gia” hoặc giao dịch riêng tư như vậy mà thường phải dựa vào những kẻ trung gian mua bán tạng.
Ở Iran, môi giới mua bán tạng là nghề kinh doanh béo bở. Những kẻ môi giới tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa người mua và người bán tạng, rồi nhận hoa hồng cao từ cả hai bên. Theo báo chí Iran đưa tin, Kanbis - một người môi giới nội tạng nhiều năm, đã giải thích về phương pháp của mình. Kanbis vốn là một nhà sản xuất đồ da nhưng do công ty phá sản nên ông phải bán một quả thận để trả nợ. Trong quá trình tìm người mua, ông nhận ra rằng đây là một công việc kinh doanh béo bở.
Bước đầu tiên tương đối đơn giản, ông thu thập một lượng lớn thông tin người bán thông qua các bản quảng cáo bán thận gần bệnh viện và các kênh khác nhau. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là tìm kiếm khách hàng, hầu hết những người bán thận đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng, ngoại trừ việc xếp hàng chờ đợi qua kênh chính thức của nhà nước. Trong tình hình bình thường, danh sách những người chờ ghép thận được giữ bí mật. Kanbis đã dành cả tháng thông qua một số biện pháp không thể công khai được, cuối cùng ông cũng có được danh sách và thông tin chi tiết của những người đang chờ ghép thận.
Hai tháng sau khi trở thành nhà môi giới nội tạng, Kanbis thực hiện vụ giao dịch đầu tiên. Có một người đàn ông tìm kiếm một quả thận khỏe mạnh để ghép, nhưng không có nguồn thận phù hợp, nhiều người quảng cáo là những người nghiện hoặc có vấn đề về thể chất nên anh ta không tin vào các bản quảng cáo. Tình cờ, Kanbis gặp một thanh niên đang muốn bán một quả thận, mẹ của anh ta đang cần tiền gấp để phẫu thuật, chàng trai trẻ đã ra giá 6.000 USD và Kanbis đã bán quả thận này cho người đàn ông cần mua với giá 8.000 USD, lợi nhuận của vụ làm ăn đầu tiên đã được tới 2.000 USD. Sau đó, công việc kinh doanh của Kanbis bùng nổ nhanh chóng...
Ngoài vô số quảng cáo offline, thị trường quảng cáo mua bán tạng trực tuyến cũng đang bùng nổ. Một số người môi giới đã thành lập các trang web giao dịch nội tạng chuyên biệt và các nền tảng xã hội nước ngoài như Instagram và Telegram cũng tràn ngập các quảng cáo mua bán nội tạng của người Iran. Ví dụ, một người đàn ông Iran 33 tuổi đã bán tế bào gốc, tủy xương và giác mạc của mình vì công ty của anh ta phá sản, có rất nhiều người Iran như anh ta đã phải bán tạng để trả nợ.
Gây sốc nhất là một người đàn ông quảng cáo bán tinh hoàn của mình để trả nợ. Quảng cáo viết: “Bán tinh hoàn, 25 tuổi, nhóm máu O+, trái hoặc phải đều OK!”. Những quảng cáo như vậy không chỉ có một, trong một quảng cáo khác về bán tinh hoàn, người bán cũng nói rằng nếu được giá, anh ta có thể đến thành phố lân cận để phẫu thuật cấy ghép bất cứ lúc nào.
Gắn liền với tiền bạc, bán tạng đã trở thành hy vọng cuối cùng cho những người tuyệt vọng. Những người lựa chọn bán tạng của mình hầu hết đều là những người nghèo, nợ nần chồng chất, khó nuôi sống gia đình hoặc hy sinh bản thân để chữa bệnh cho người nhà. Đối mặt với thực tế nghiệt ngã, họ tuyệt vọng bán dần từng phần cơ thể để duy trì cuộc sống cho bản thân và gia đình. Nhiều người trong số họ mong đổi đời nhờ bán tạng, nhưng thực tế việc bán tạng không những không đảo ngược được số phận mà ngược lại, khiến nhiều người rơi vào tình trạng nguy kịch về sức khỏe, thậm chí mất đi khả năng sống còn. Sau một ca mổ, họ nghèo vẫn hoàn nghèo, chỉ là thiếu đi một phần cơ thể.