Thời gian qua, các trường mầm non đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng GV, trong đó có sinh hoạt chuyên đề, trao đổi chuyên môn...
Thực hiện chuyên đề “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”, Phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn xác định đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao mục tiêu chăm sóc giáo dục trẻ trong thời kỳ đổi mới.
Bà Phạm Thị Ánh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Xuyên cho biết: Để thực hiện tốt mục tiêu này, các trường đã xây dựng bộ tiêu chí trong đó chú trọng đặc biệt về chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, đạt trình độ trên chuẩn, năng động sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với nghề, có ý thức trách nhiệm cao, năng lực chuyên môn vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Khi triển khai đã thể hiện được nội dung giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non và có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với phát triển của trẻ, điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường và từng lớp. Các trường không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp, coi trọng hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng sống của trẻ.
Chia sẻ quá trình thực hiện tại đơn vị, cô Chu Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) cho hay, khi tổ chức hoạt, động, giáo viên thường phối hợp các phương pháp, tăng cường tính chủ động, tích cực của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.
Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm thay đổi và cá thể hóa những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng hoạt động chủ đạo từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú và sự phát triển của từng trẻ. Các cô tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của mình.
Giáo viên tổ chức, điều khiển, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ. Khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ. Các hoạt động diễn ra một cách thoải mái, trẻ luôn là chủ thể hoạt động tích cực; giáo viên là người gần gũi, trợ giúp, khuyến khích trẻ sáng tạo, tận dụng những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống thật để tăng tính tương tác.
“Khi cần, các cô cũng gợi ý để trẻ nói lên được suy nghĩ. Việc truyền tải kiến thức dựa trên vốn kinh nghiệm, kỹ năng mà trẻ đã biết, từ đó giáo viên cung cấp, bổ sung kiến thức cho trẻ theo mục đích yêu cầu đã đưa ra”, cô Chu Thị Hương nhấn mạnh.
Cũng theo cô Hương, nhà trường đã triển khai dưới nhiều hình thức như trao đổi kinh nghiệm qua lý thuyết và thực hành trên tiết dạy. Các tổ - khối chia nhau theo nhóm để trao đổi kinh nghiệm dưới dạng câu hỏi và tìm hướng giải quyết. Mỗi tháng một chuyên đề xoay quanh những hoạt động hằng ngày theo quy chế chăm sóc giáo dục trẻ.
Tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội), hoạt động sinh hoạt chuyên đề và trao đổi chuyên môn liên trường tạo cơ hội cho giáo viên được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cập nhật những phương pháp giáo dục mới, tiên tiến.
Để nâng cao chất lượng chuyên môn, mỗi giáo viên không ngừng học tập bồi dưỡng như học thêm chương trình và phương pháp giáo dục mới qua bạn bè, đồng nghiệp hay trên nền tảng công nghệ thông tin. Đặc biệt trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên cùng khối trao đổi phương pháp, bài dạy mới hoặc có thể xây dựng một hoạt động mới để cả tổ cùng dự rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng ra toàn trường.
“Bên cạnh nó, nhà trường còn có hoạt động kết nối, trao đổi chuyên môn với các trường trên địa bàn và ngoài quận, giao lưu với trường mầm non huyện Phú Xuyên đạt hiệu quả cao qua nhiều chuyên đề như: Cách giữ gìn an toàn phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho trẻ mầm non; kỹ năng nuôi dưỡng chăm sóc trẻ đáp ứng mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm và nhiều hoạt động khác”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An thông tin.
Đưa ra một số giải pháp trong sinh hoạt chuyên môn, cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thông tin: Nhà trường phát huy tối đa vai trò tổ trưởng chuyên môn, khối trưởng các khối trong triển khai, xây dựng kế hoạch giảng dạy của trường và các khối đảm bảo sự đồng nhất, đồng tâm, phù hợp đặc điểm lứa tuổi và tăng cường hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống cho trẻ.
Trường Mầm non 10-10 tổ chức sinh hoạt chuyên môn dưới nhiều hình thức như: Trao đổi thảo luận trực tiếp về xây dựng kế hoạch; rút kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy; tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn với các trường kết nghĩa ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội); bồi dưỡng tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến.
“Nhà trường tiến hành dạy kiến tập, điểm, mẫu với giáo viên cốt cán, giáo viên trẻ; tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và giao lưu giữa các độ tuổi. Quan tâm nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội cho giáo viên và trẻ tiếp cận thiết bị điện tử, công nghệ hiệu quả, phù hợp. Từ đó tạo được sự đồng bộ trong phát triển chuyên môn, thêm động lực cho giáo viên trẻ gắn bó với nghề”, cô Bích nói.
Còn theo cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội), để nâng cao chất lượng giáo viên mầm non cần có sự chung tay góp sức của nhiều phía. Các cấp quản lý cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho giáo dục mầm non, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn. Đồng thời, mỗi giáo viên phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng để hoàn thành tốt vai trò “người mẹ thứ hai” của trẻ.
“Nâng cao chất lượng giáo viên mầm non là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Thời gian qua, ngành Giáo dục Hà Nội đã phát động và triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” đã phát huy được hiệu ứng tích cực để phát triển chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo các cấp. Với những giải pháp thiết thực và sự nỗ lực của mỗi trường, chất lượng đội ngũ ngày càng được củng cố, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non”, cô Vân chia sẻ thêm.