Giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, khu công nghiệp

PV 10/04/2025 21:33

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.

Trên 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn

Ngày 10/4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến 2045”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT); lãnh đạo, chuyên viên phụ trách bậc Mầm non của một số sở GD&ĐT; các tổ chức, nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Bà Hoàng Thị Dinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết, tính đến tháng 7/2024, cả nước có 431 khu công nghiệp (KCN) được thành lập ở 59/63 tỉnh, thành phố đã tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp.

mam-non-khu-cong-nghiep-3-6.jpg
Bà Hoàng Thị Dinh thông tin tại hội thảo.

Theo số liệu tổng kết năm học 2023–2024, cả nước hiện có 15.256 trường mầm non, trong đó gồm 12.072 trường công lập và 3.184 trường ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 21%). Ngoài ra, còn có 17.444 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập tư thục, dân lập.

Tại các địa bàn có khu công nghiệp, hiện có 13.137 cơ sở GDMN, gồm 3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở độc lập tư thục. Trong số này, các cơ sở GDMN độc lập tư thục có ưu thế về thời gian đón – trả trẻ linh hoạt, học phí phù hợp với thu nhập của người lao động, vị trí gần nơi cư trú… nên trở thành lựa chọn phổ biến của công nhân nhập cư làm việc tại KCN.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Dinh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, GDMN ở địa bàn đô thị, KCN – nơi tập trung đông lao động vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, công tác quy hoạch, phát triển cơ sở GDMN ở các khu vực này chưa theo kịp nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Dù tỷ lệ trường mầm non công lập tại các địa bàn có KCN đạt 67,1% tổng số cơ sở GDMN, nhưng phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu đón sớm, trả muộn phù hợp với giờ làm việc theo ca, kíp của công nhân.

Thêm vào đó, một số trường lại được xây dựng tại vị trí xa nơi cư trú của người lao động, gây bất tiện trong việc đưa đón trẻ mỗi ngày.

Bên cạnh đó, hệ thống trường mầm non còn hạn chế về năng lực tiếp nhận trẻ nhà trẻ (3 tháng đến 36 tháng tuổi) trong khi phần lớn công nhân là lao động nhập cư có nhu cầu cao về gửi trẻ nhà trẻ, đặc biệt là trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi.

mam-non-khu-cong-nghiep.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Cả nước còn trên 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Tại cơ sở GDMN ngoài công lập, có trên 16.000 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm mầm non (chuẩn theo Luật Giáo dục 2005) chưa được hỗ trợ kinh phí để đào tạo đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, KCN và công tác phối hợp liên ngành còn một số khó khăn, bất cập. Tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập ở địa bàn có KCN mới đạt 11,7%. Việc thực hiện chính sách đối với GDMN ở địa bàn có KCN, nơi tập trung nhiều lao động vẫn chưa đồng đều, chính sách chưa bao phủ được hết các đối tượng.

Sự cần thiết ban hành đề án

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc xây dựng và ban hành Đề án nâng cao chất lượng GDMN tại các địa bàn đô thị và KCN là rất cần thiết.

Mục tiêu chính của Đề án là hỗ trợ phát triển hệ thống GDMN tại các khu vực này, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng dịch vụ giáo dục có chất lượng cho trẻ em là con của công nhân, người lao động.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 gồm: 100% trẻ em đang theo học tại các cơ sở GDMN ở đô thị và KCN được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo đúng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ em từ 3 đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động tại khu vực có KCN, nếu có nhu cầu, sẽ được tiếp cận dịch vụ GDMN đảm bảo chất lượng; 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nhân viên tại các cơ sở GDMN ở đô thị và KCN được tiếp cận tài liệu chuyên môn và được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ thường xuyên.

Ngoài ra, đề án phấn đấu tăng 20% trở lên số lượng cơ sở GDMN có tổ chức nhóm trẻ tại đô thị và KCN; trong đó, tối thiểu tăng 10% số trường mầm non công lập tại khu vực có KCN tổ chức nhóm trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Phấn đấu 100% cơ sở GDMN độc lập tư thục đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; 50% đơn vị cấp tỉnh triển khai các mô hình giáo dục mầm non phù hợp với đặc thù đô thị, KCN.

mam-non-khu-cong-nghiep-3.jpg
TS Vũ Cương chia sẻ tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS Vũ Cương – Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và UNICEF đều khuyến nghị các quốc gia nên dành khoảng 1% GDP cho GDMN. Trong khi đó, nhiều nước Bắc Âu hiện phân bổ từ 1,4% đến 1,8% GDP cho lĩnh vực này, còn tại Việt Nam, tỷ lệ chi cho GDMN mới chỉ đạt 0,68% GDP.

Vì vậy, đề án sẽ là căn cứ quan trọng để các Sở GD&ĐT có cơ sở đề xuất bổ sung nguồn lực tài chính, đồng thời tăng quyền chủ động trong việc lập kế hoạch ngân sách hàng năm, nhằm đáp ứng kịp thời và phù hợp với nhu cầu phát triển GDMN tại từng địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thụy Mỵ Châu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung trong Tờ trình về dự thảo đề án.

Bà đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT cần chú trọng hơn trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ đội ngũ giáo viên ngoài công lập, đặc biệt là giáo viên đang công tác tại các cơ sở GDMN nằm trên địa bàn các KCN.

mam-non-khu-cong-nghiep-4.jpg
Bà Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục tham mưu đề xuất với Chính phủ điều chỉnh mức tăng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non theo khoản 1 Điều 10 của Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Trong bối cảnh xã hội và nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự hình thành và phát triển nhanh chóng của các KCN đã tạo ra nhiều động lực tăng trưởng, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với ngành GDMN.

Theo Thứ trưởng, thực tiễn cho thấy hệ thống trường lớp tại các khu vực này chưa đáp ứng đủ về quy mô; điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; trong khi đó, cơ chế và chính sách hiện hành cũng chưa theo kịp với nhu cầu thực tế đang đặt ra.

Trước tình hình đó, Vụ Giáo dục Mầm non đã chủ động tham mưu xây dựng Đề án 'Nâng cao chất lượng Giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025–2030, định hướng đến năm 2045".

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng lưu ý, trong quá trình xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực GDMN, cần bám sát đúng cấp học, đúng địa bàn và đúng đối tượng thụ hưởng. Các cơ chế này phải được thiết kế một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn và có cơ chế giám sát rõ ràng.

Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình cơ sở GDMN tại khu vực đô thị và khu công nghiệp không chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục, mà cần có sự chung tay của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN.

"Qua nắm bắt ý kiến góp ý của các đại biểu, Ban soạn thảo ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-o-dia-ban-khu-do-thi-khu-cong-nghiep-post726537.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-mam-non-o-dia-ban-khu-do-thi-khu-cong-nghiep-post726537.html
Bài liên quan
Giáo dục mầm non: Củng cố nền móng, khơi nguồn tương lai
Dù đã có nhiều bước tiến trong thời gian qua, nhưng giáo dục mầm non hiện vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, từ tình trạng thiếu giáo viên, đến áp lực về cơ sở vật chất tại các khu đô thị, khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn khu đô thị, khu công nghiệp