Hoạt động giáo dục hướng nghiệp nếu muốn đạt hiệu quả tốt nhất thì phải được thực hiện từ đầu cấp trung học cơ sở, tức là từ lớp 6 mà không phải từ lớp 9 như hiện nay. Công tác định hướng phải trải dài trong cả một quá trình thì mới có thể dẫn đến sự thay đổi về mặt nhận thức cho học sinh thông qua việc lồng ghép vào chương trình dạy học, các buổi sinh hoạt hướng nghiệp,... Từ đó, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở mới có thể thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ.
Mỗi nhà trường cần phải xây dựng đội ngũ giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp để làm kim chỉ nam hỗ trợ, hướng dẫn và tư vấn cho học sinh trong việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp trong tương lai. Các giáo viên cần phải có năng lực sư phạm, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức sâu rộng về các ngành nghề, các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội và có khả năng truyền đạt, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh. Để xây dựng được đội ngũ giáo viên như vậy thì phải có chương trình đào tạo chuyên viên tư vấn hướng nghiệp ngay từ các trường đại học sư phạm, cụ thể chương trình đào tạo chuyên ngành tâm lý giáo dục. Ngoài ra, còn cần có chức danh giáo viên chuyên trách làm công tác hướng nghiệp ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông. Những giáo viên này cũng phải được hưởng biên chế như tất cả các giáo viên khác ở trường, phụ trách riêng hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề cho học sinh,...
Việc học sinh nắm bắt được các thông tin về yêu cầu nghề nghiệp, đặc thù của các ngành nghề, thông tin về thị trường lao động và nhu cầu của thị trường lao động sẽ hỗ trợ học sinh rất nhiều trong việc lựa chọn ngành nghề tương lai. Do đó, các nhà trường cần chú trọng việc cải tiến chương trình hoạt động giáo dục bằng việc cập nhật cho học sinh các thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu về nguồn nhân lực hiện nay của địa phương trên cơ sở nội dung hướng nghiệp đã được ban hành. Ngoài ra còn cần lồng ghép hướng nghiệp vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa.
Nhà trường cần kêu gọi phụ huynh, doanh nghiệp và các lực lượng xã hội trong việc hỗ trợ kinh phí cho các trường THPT để tổ chức tốt hoạt động hướng nghiệp cho học sinh. Các trường cần thành lập phòng tư vấn học đường, bao gồm hoạt động tư vấn hướng nghiệp được điều hành bởi ban tư vấn là các giáo viên chuyên trách hướng nghiệp.
Để việc tư vấn hướng nghiệp đạt hiệu quả và có cơ sở khoa học thì rất cần kết hợp với các bài trắc nghiệp về tính cách, năng lực trí tuệ của học sinh. Qua đó, học sinh sẽ hiểu hơn về bản thân mình và có cơ sở để đối chiếu với những yêu cầu của nghề nghiệp để đưa ra sự lựa chọn cho phù hợp. Ngoài ra, nhà trường cũng cần mời các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp có uy tín, kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và đặc biệt là doanh nghiệp để hỗ trợ tư vấn cho học sinh.