Bà Hà Thị Khánh Vân cho biết, trong tài liệu địa phương của tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, đề cập đến giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nhiều nội dung, chủ đề về trang phục dân tộc, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống, ẩm thực Xứ Lạng, văn học nghệ thuật địa phương... mang đậm nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Học sinh Trường Tiểu học Đồng Thắng trong một giờ học. Ảnh NC. |
Các giờ học giáo dục địa phương được tổ chức đa dạng về hình thức, phương pháp; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan, dạy học thực địa, sinh hoạt câu lạc bộ, triển lãm, trình diễn trang phục, văn hóa dân tộc...
Từ đó đã phát huy được phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và góp phần giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương Xứ Lạng.
Trong những năm qua, ngành Giáo dục Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp nhằm tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Tích cực tuyên truyền đến nhân dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về chính sách ưu tiên của nhà nước đối với học sinh dân tộc thiểu số; Làm thay đổi dần nhận thức của người dân trong việc cho con em học tại trường nội trú.
Ngành đã tham mưu cho tỉnh thực hiện đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú. Đến thời điểm này, đã chuyển đổi 10/10 trường trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở các huyện thành trường liên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số... để xây mới các phòng học, phòng chức năng, nhà bán trú, nhà bếp, nhà vệ sinh...