Với sự đổi mới trong phương pháp tuyên truyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và lực lượng chức năng đã giúp tình trạng vi phạm ATGT trong học sinh và số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh từng bước được kiềm chế, giảm dần.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Mặc dù số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều so với trước nhưng tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT vẫn diễn ra, trong đó có tình trạng học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách trên đường. Vì vậy bên cạnh việc tuyên truyền, tăng cường kỹ năng cho học sinh, ngành giáo dục Vĩnh Phúc đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh.
Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm. Hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi. Kết quả thực hiện pháp luật về ATGT của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên và kết quả bảo đảm trật trật tự ATGT là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua các cá nhân, tập thể nhà trường trong năm học.
Cô giáo Nguyễn Thị Châu Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Hòa cho biết: Nhà trường kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục và xử lý nghiêm các trường hợp là giáo việc và học sinh vi phạm ATGT. Trong kế hoạch tháng và lịch công tác tuần, nhà trường đều có nội dung chỉ đạo cụ thể nhiệm vụ của giáo viên, Đoàn viên thanh niên trong công tác quán triệt và giáo dục học sinh về ATGT học đường. Yêu cầu Đoàn thanh niên phân công đội xung kích trực cổng và ngoài đường nhắc trực tiếp học sinh và chụp ảnh các trường hợp vi phạm. Nhân viên bảo vệ chỉ cho học sinh có đội mũ bảo hiểm được vào và ra khỏi cổng trường. Các trường hợp vi phạm được gửi trên trang nhóm zalo để giáo viên chủ nhiệm xử lý theo quy định của lớp và trường, nếu tái phạm nhà tường sẽ mời phụ huynh lên làm việc cùng giáo viên chủ nhiệm để giao dục các em.
Cùng quan điểm trên, cô giáo Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên khẳng định: Để tăng cường quản lý các em học sinh trong quá trình tham gia giao thông từ nhà đến trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các thầy, cô giáo chủ nhiệm của nhà trường, trong quá trình tham gia giao thông nếu phát hiện học sinh của mình vi phạm thì cần nhắc nhở ngay, không để tái diễn vi phạm. Tuy nhiên, để công tác đảm bảo ATGT học đường được bền vững, giảm thiểu tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông, từ đó tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức tuân thủ Luật giao thông đường bộ.
“Ngoài lực lượng Công an, nhà trường thì các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình”, cô Nguyễn Thị Mai Chang nhấn mạnh.