Đa số thầy cô quan tâm đến việc “Củng cố kiến thức; truyền đạt kiến thức trọng tâm, cơ bản”, trong khi ít thực hiện “bồi dưỡng cho học sinh về động cơ học tập đúng đắn, trong sáng; có tinh thần trách nhiệm; tính tự giác, chủ động trong học tập, kiên trì nhẫn nại, độc lập suy nghĩ và hành động”. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng phương pháp “thuyết trình”, “luyện tập”, mà ít “đàm thoại” và “tác động riêng”, trong khi đối tượng dạy học có tính rất đặc thù.
Hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém ở một số nơi chưa tốt có nhiều nguyên nhân như: Lãnh đạo các trường thực hiện được các biện pháp quản lý không phù hợp; Nhận thức và thái độ của một số cán bộ quản lý và giáo viên về hoạt động dạy học phụ đạo còn hạn chế; Việc phối hợp các lực lượng tham gia hoạt động dạy phụ đạo chưa đồng bộ, ít chú trọng tới lực lượng bên ngoài nhà trường. Đáng chú ý, kinh phí và thời gian hỗ trợ cho hoạt động phụ đạo học sinh yếu kém chưa kịp thời. Đa phần giáo viên tham gia phụ đạo trên tinh thần vì học sinh, chế độ đi kèm rất khiêm tốn.
Hoạt động dạy phụ đạo có tác dụng cải thiện kết quả học tập của học sinh yếu kém, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Vì thế, nâng cao chất lượng phụ đạo là nhiệm vụ quan trọng, cần sự quan tâm thường xuyên, đầu tư thích đáng của mỗi nhà trường từ việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cải tiến chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp… cho đến tăng cường điều kiện vật chất, thiết bị dạy học và kinh phí phục vụ.
Đặc biệt với phụ đạo Hè, lưu ý đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn theo chế độ của thầy và trò, vì thế cần có chính sách tốt để huy động, chăm lo, động viên giáo viên và học sinh tham gia dạy, học hiệu quả.