Tiết học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Nguyễn Trãi. Ảnh: Xuân Phú |
Tiếp đó, giảng viên cần tăng tốc độ và chất lượng kết nối. Môi trường 4.0, trước hết là chuyển đổi số, đòi hỏi giảng viên phải chuyển đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm, chủ động tạo ra môi trường sáng tạo. Chỉ trong môi trường thật sự dân chủ, trí tuệ và phản biện, cái mới sẽ xuất hiện. Chỉ với chức năng truyền đạt thì giảng viên sẽ bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế, do vậy “Người thầy giáo phải trở thành chuyên gia giáo dục chứ không phải chuyên gia truyền đạt kiến thức” (UNESCO). Tuy nhiên, chưa có nhiều động lực mạnh để thực thi yêu cầu này, nhất là trong bối cảnh tự chủ, cạnh tranh.
Đa dạng mô hình đào tạo người thầy cũng là yếu tố quan trọng. Giáo dục đang cần “giáo viên” hay là “người dạy” trong tương lai? Đang có 2 mô hình đào tạo 4 năm tại trường sư phạm và mô hình nối tiếp (2+2) tại các trường đa ngành. Nhưng chưa có mô hình chuẩn đào tạo giảng viên đại học. Người thầy phải chuyển vai từ “giảng dạy” sang “hướng dẫn”.
Thực tiễn đặt ra câu hỏi: Liệu cử nhân công nghệ thông tin, tiếng Anh, kỹ sư kỹ thuật công nghệ, nhạc sĩ, họa sĩ, doanh nghiệp… khi có nhu cầu tham gia vào quá trình giáo dục đại học thì chuẩn nghề nghiệp ở đâu? Cần cơ chế hoạt động để họ tham gia vào 3 khâu của quá trình: Đề xuất ý tưởng, thiết kế chương trình giáo dục; tổ chức giảng dạy và đánh giá. Như thế, môi trường giáo dục được mở rộng, hấp dẫn hơn và giảm thiểu các áp lực cho người học.
TS Trần Ái Cầm. |
Khát vọng của Việt Nam đặt ra đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á. Giáo dục được cho là quốc sách đem đến những thay đổi cho sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.
Như vậy, để góp phần đưa Việt Nam đạt được khát vọng vào năm 2045 đặt ra nhiệm vụ quan trọng và nặng nề đối với giáo dục đại học. Để thực hiện được đổi mới giáo dục, đội ngũ giảng viên trường đại học đóng vai trò quan trọng vì trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.
Bên cạnh các yêu cầu cứng về năng lực như trình độ tiến sĩ (theo Thông tư số 4/2016/ TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học), giảng viên cần đạt các yêu cầu về năng lực: Nghiên cứu khoa học; xây dựng, thiết kế và thực hiện chương trình dạy học; lựa chọn và áp dụng các phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá phù hợp đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra; ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; giám sát và tự đánh giá chất lượng công việc; nghiên cứu và đóng góp cho cộng đồng.
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu chung của quốc gia về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đòi hỏi giảng viên cần có năng lực đào tạo khởi nghiệp, cố vấn cho người học, thực hiện đổi mới sáng tạo. Để linh hoạt đáp ứng trong bối cảnh VUCA (cụm từ được sử dụng phổ biến để mô tả về thế giới hiện nay: Biến động - Volatility, không chắc chắn - Uncertainty, phức tạp - Complexity và mơ hồ - Ambiguity), giảng viên cũng cần có năng lực “Design thinking - tư duy thiết kế”. Năng lực số của giảng viên đại học cần để đáp ứng cho chuyển đổi số như năng lực: Vận hành thiết bị và phần mềm công nghệ; xử lý dữ liệu và sáng tạo; giao tiếp, hợp tác; an ninh, an toàn.
Để phát triển được đội ngũ giảng viên có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thực hiện khát vọng Việt Nam 2045, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của Nhà nước với trường đại học. Một số khuyến nghị về giải pháp thực hiện như:
Nhà nước thiết lập khung năng lực của giảng viên đáp ứng yêu cầu mới. Từ khung năng lực này có chính sách, chương trình đào tạo bồi dưỡng giảng viên đồng bộ từ các đơn vị chủ quản đến trường đại học, đặc biệt có lộ trình quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên trẻ.
Tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên các trường đại học ngoài công lập tham gia Đề án 89 để nâng cao trình độ tiến sĩ, trong đó tăng cường hội thảo hướng dẫn các thủ tục cũng như hỗ trợ để ứng viên có thể đáp ứng được yêu cầu đề án; đơn giản hóa các thủ tục tham gia Đề án, rút ngắn thời gian xem xét phê duyệt hồ sơ để Đề án có thể đạt các mục tiêu đặt ra, nhất là sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19.
Các trường đại học ngoài công lập bên cạnh chính sách tài chính cần đa dạng cơ chế để chăm sóc giảng viên, tạo môi trường làm việc thuận lợi, nâng cao giá trị thương hiệu để có thể chủ động thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên có năng lực. Nhà nước có chính sách và nhìn nhận đội ngũ giảng viên doanh nghiệp, khen thưởng các doanh nghiệp đã đóng góp cho đào tạo đại học.
“Định hướng 'cuộc sống giáo dục' cần được triển khai theo mục tiêu trường học hạnh phúc, một nhà trường có chất lượng sẽ không tách rời cuộc sống sôi nổi. Vì vậy, khái niệm thay thế “người dạy” rộng hơn giáo viên, sẽ tạo ra một chuỗi nguồn lực từ thực tiễn dưới sự dẫn dắt của nhà giáo dục (giáo viên, giảng viên) nhằm cộng hưởng sức mạnh, góp phần gia tăng chất lượng, hoặc có thể giải quyết căn bản bài toán thiếu giáo viên diễn ra trong khi “người dạy” không thiếu”. - GS.TS Phạm Hồng Quang