Trong giai đoạn 2024 – 2030, Thành phố triển khai chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp. Triển khai Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II (huyện Bình Chánh) với tổng quy mô 668 ha sau khi Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của thành phố; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các khu công nghiệp đã có quyết định thành lập nhưng chưa triển khai (bao gồm: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Phong Phú, Vĩnh Lộc mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng) và các khu công nghiệp đã có trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp thành phố nhưng chưa được thành lập (gồm Hiệp Phước 3, Vĩnh Lộc 3). Giai đoạn 2031 – 2045 tập trung kiểm tra, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ hoặc di dời.
Đối với Đề án chuyển đổi thí điểm 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm Tân Thuận, Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước và Bình Chiểu, UBND TP HCM đã giao Hepza chủ động làm việc với Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để thống nhất xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm.
*Sẵn sàng cho đón làn sóng đầu tư lớn
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, đề án đề xuất định hướng phát triển cho từng khu công nghiệp mới trên cơ sở các mô hình: khu công nghiệp chuyên ngành, Khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ nhằm tạo các cụm liên kết ngành trong khu công nghiệp hoặc với các khu công nghiệp kề cận.
Như vậy, các chính sách phục vụ cho việc chuyển đổi các khu chế xuất, khu công nghiệp bao gồm: tích hợp phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp vào Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Tiêu chí công nghệ của doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hoặc di dời; chuẩn bị quỹ đất tiếp nhận doanh nghiệp di dời; chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp…
Đối với các lô đất chưa triển khai dự án, các dự án dự kiến triển khai trên hoạch các ngành công nghiệp và tiêu chí của Thành phố, ưu tiên phát triển các lô đất hiện hữu (nhận chuyển nhượng lại), sẽ thực hiện thu hút đầu tư theo quy ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao. Ông Hưng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, Hepza sẽ phối hợp với các đơn vị khảo sát; lấy ý kiến, tham vấn các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp; hiệp hội các doanh nghiệp, ngành nghề; các công ty phát triên hạ tầng Khu chế xuất, Khu công nghiệp và các chuyên gia... Đặc biệt, việc chuyển đổi sẽ thông tin rộng rãi, thực hiện từng bước, thận trọng, tạo sự đồng thuận, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định pháp luật.
Để đảm bảo chuyển đổi, hướng đến phát triển toàn diện, bền vững, Hepza cũng khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai đề án; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác phục vụ cho điều tra, khảo sát, lấy ý kiến. Trên cơ sở định hướng, lộ trình chuyển đổi Khu chế xuất, Khu công nghiệp, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi, nâng cao trình độ công nghệ, máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với việc chuyển đổi, Hepza với các doanh nghiệp trong khu cũng kiến nghị đẩy mạnh áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ”; giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp; là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài muốn chuyển dịch sang thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Trưởng Ban Quản lý Hepza, cơ chế một cửa tại chỗ trong khu công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí vì không phải đi nhiều cửa. Tuy nhiên, ngoài thủ tục về môi trường (vừa được UBND TP HCM ủy quyền cho Hepza) còn rất nhiều thủ tục khác như: điều chỉnh quy hoạch cục bộ, cấp phép xây dựng, cấp phép lao động… vẫn chưa được thực hiện một cửa tại chỗ.
“Hiện có nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với Khu chế xuất, Khu công nghiệp; văn bản pháp luật chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý quy định tại Nghị định quy định về Khu công nghiệp, khu kinh tế. Khi xem xét áp dụng thì căn cứ cuối cùng của các quy định này là văn bản pháp luật chuyên ngành. Về lâu dài, nghiên cứu ban hành Luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.”, ông Năng chia sẻ.
Các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đang từng bước chuyển đổi các mô hình hoạt động phù hợp với thực tiễn phát triển của thành phố hiện này và trong tương lai, tuy nhiên để đạt được những mục tiêu này, cần rất nhiều giải pháp.
Trong đó, việc tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước; phát huy hơn nữa cơ chế “một cửa, tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư; giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu quả quản lý của Hepza tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện tại và trong tương lai.