Sự thiếu chắc chắn về các khoản viện trợ tương lai của Mỹ dành cho Ukraine đã nảy sinh ngày 3/10 khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy – người ủng hộ Ukraine bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu “có một không hai” tại Hại viện.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Warsaw, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy đáy thùng. Chúng ta đã tặng nhiều hệ thống vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhưng không phải từ một kho dự trữ đầy đủ, mà từ kho dự trữ đã vơi đi một nửa hoặc vơi đi rất nhiều ở châu Âu. Hiện các loại khí tài quân sự đang cạn kiệt”.
Trong khi đó, ông James Heappey, Quốc vụ khanh phụ trách các lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng Anh cho rằng, mặc dù kho dự trữ đang cạn kiệt nhưng phương Tây vẫn phải tiếp tục viện trợ cho Ukraine để giúp Kiev tiếp tục chiến đấu. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia cần phải gia tăng công suất sản xuất đạn dược và lấp đầy lại kho dự trữ. Giới phân tích phương Tây cảnh báo rằng, nếu Mỹ dừng viện trợ cho Ukraine thì nỗ lực chiến đấu của Kiev sẽ sụt giảm và họ sẽ đối mặt nhiều thách thức lớn
Thomas Warrick, thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: “Mỹ và các đồng minh đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại đạn dược, nhưng chúng không được sản xuất hoặc chuyển giao nhanh chóng như kỳ vọng”. Trước đó, Ukraine đã phải trì hoãn cuộc phản công để chờ đợi có thêm đạn dược và thiết bị cho tiền tuyến. Điều này đã khiến Nga có thời gian xây dựng và củng cố hệ thống phòng thủ để cản trở bước tiến của Kiev.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael McCord cho biết: “Nếu không có nguồn tài trợ bổ sung, chúng tôi buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm các khoản hỗ trợ cần thiết cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không và các loại đạn dược quan trọng khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn trong mùa đông tới”.
Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine đã lên tới con số 46,6 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022 cho đến ngày 31/7/2023. Ngoài ra, các đồng minh của NATO cũng đóng góp thêm hàng tỷ USD.