Tại các khu vực ven biển của Latvia và Estonia, các hạm đội của NATO “yêu chuộng hòa bình” và đối tác Thụy Điển “trung lập” đã thử nghiệm phương án đẩy lùi “sự xâm lược” của đối phương đối với một trong các quốc gia thành viên, điều này được coi là một thách thức đối với toàn bộ khối này.
Ngay cả trước khi bắt đầu các cuộc diễn tập này, Tư lệnh Hải quân Đức, Phó Đô đốc Jan Christian Kaack, đã công khai mục đích của cuộc tập trận là xây dựng kịch bản đẩy lùi cuộc tấn công giả định vào các nước châu Âu.
Kaak lưu ý rằng các cuộc tập trận ở Baltic đang thử thách sự hỗ trợ của NATO đối với 3 nước Baltic là Latvia, Lithuania và Estonia, trong trường hợp hành lang Suwalki (Suwalki Gap) nằm ở ngã 3 biên giới Ba Lan, Belarus và Lithuania, nối với vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga ở Kaliningrad, bị chiếm giữ.
Phó Đô đốc Jan Christian Kaak chỉ rõ, nếu khối này mất quyền kiểm soát hành lang Suwalki, Nga sẽ cắt đứt sự liên hệ giữa các nước NATO ở vùng Baltic với Đông Âu; Latvia, Lithuania và Estonia sẽ chỉ được kết nối với các nước NATO còn lại bằng đường biển Baltic cũng đầy rẫy chông gai.
Ngoài ra, ông Kaack cũng thông tin thêm rằng, các tàu chiến NATO sẽ cải thiện hành động của mình trong trường hợp xảy ra một “cuộc tấn công giả định” của tàu ngầm ở khu vực này.
Theo giới chuyên gia quân sự Nga, NATO đang mơ ước biến Baltic thành “ao nhà” của mình, đẩy Nga vào Vịnh Phần Lan và ngăn chặn Moscow tiếp cận các vùng biển phía Bắc.
Để đạt được mục tiêu này, NATO đang tính đến việc “quân sự hóa” Quần đảo Åland của Phần Lan, đảo Gotland của Thụy Điển và đảo Bornholm của Đan Mạch - những hòn đảo lớn trên biển Baltic, nơi có tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) của Nga chạy qua.