Sáng 9/5, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương bố trí kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ, dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp vào sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Theo Ban Chỉ đạo sắp xếp tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của Chính phủ, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngay sau khi kết thúc Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Tất cả các địa phương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân với tỷ lệ đồng thuận đạt trung bình gần 96%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước đã ban hành Nghị quyết thông qua các Đề án với tỷ lệ đồng thuận đa số đạt 100%.
Đến ngày 8/5/2025, đã hoàn thành toàn bộ hồ sơ, đề án để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính của 63 tỉnh, thành phố (thuộc 34 tỉnh mới) và hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Theo đó, sau sắp xếp, cả nước có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến có 3.321 đơn vị hành chính cấp xã, giảm tương ứng 29 đơn vị hành chính cấp tỉnh và 6.714 đơn vị hành chính cấp xã.
Dự kiến sau sắp xếp, số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh khoảng 91.784 người, giảm 18.449 người; biên chế cán bộ, công chức cấp xã bố trí khoảng hơn 199 nghìn người, giảm khoảng 110 nghìn người; kết thúc hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trong cả nước là hơn 120 nghìn người.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, dự kiến kinh phí tiết kiệm chi tiền lương và định mức chi hành chính trong giai đoạn từ 2026 - 2030 của cả nước khoảng 190,5 nghìn tỷ đồng. Dự kiến chi trả chế độ, chính sách cho đối tượng nghỉ việc cấp tỉnh khoảng 22 nghìn tỷ đồng; cấp xã khoảng 99 nghìn tỷ đồng; kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng.
Các đại biểu cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là vấn đề lớn, khó, liên quan nhiều cơ quan, nhiều lĩnh vực, thời gian gấp, cùng với việc hoàn thiện đề án trình Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Đề án tại địa phương; trong đó, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự... để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã; đồng thời chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp.
Cùng với đó, thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp; duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong thời gian chuyển tiếp, bảo đảm mọi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ý kiến của các đại biểu; thống nhất hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34; số đơn vị hành chính cấp xã từ 10.035 xuống còn 3.321, giảm 66,91%; không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
Thủ tướng đánh giá, các quy trình, thủ tục về sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị; tổ chức quán triệt, triển khai trong cả hệ thống chính trị và lấy ý kiến rộng rãi toàn thể nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; nhận được sự đồng tình cao, hợp ý Đảng, lòng dân; nhân dân kỳ vọng sau sắp xếp hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sẽ hiệu quả hơn, thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, đi đôi với việc sắp xếp đơn vị hành chính địa phương, Chính phủ, các bộ, ngành cũng tích cực xây dựng, ban hành các văn bản kèm theo để triển khai đồng bộ, với tinh thần “một luật sửa nhiều luật, một văn bản sửa nhiều văn bản; những vấn đề cấp bách thì phải làm ngay; vấn đề cần đánh giá tác động thì nghiên cứu sâu thêm không cầu toàn, không nóng vội”.
Lưu ý phải xây dựng các chính sách đối với cán bộ, công chức bị tác động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, sau khi ổn định tổ chức bộ máy theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ dôi dư, vận hành tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, không để gián đoạn công việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Chính phủ chuyên đề về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Khi Quốc hội thông qua tổ chức thực hiện ngay, đồng thời tiến hành kiểm tra, đô đốc, hướng dẫn thực hiện và giải quyết các vướng mắc phát sinh nếu có.
“Bộ Tài chính khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương; hướng dẫn sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát công tác tổ chức cán bộ và không để khoảng trống việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải thực hiện nghiêm việc phân cấp, phân quyền theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; thành lập các trung tâm dịch vụ hành chính công, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Cùng với sắp xếp, tổ chức đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách khác, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại hơn 2.200 dự án, với gần 6 triệu tỷ đồng và hơn 300 nghìn ha đất đang ách tắc.
Đặc biệt, tổ chức thực hiện tốt “bộ tứ chiến lược” đã được Bộ Chính trị bàn hành gồm: Nghị quyết 57 về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng đề nghị, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền; thần tốc, táo bạo hơn nữa để cả nước hoàn thành các mục tiêu, vững bước bước vào kỷ nguyên mới.