Tất nhiên, mọi quyết định mở cửa đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng, với tiêu chí sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng đặt lên hàng đầu. Trong công văn gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nêu rõ định hướng mở cửa như sau:
Lượng khán giả vào sân dưới 50%, bố trí ngồi giãn cách theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC); khán giả vào sân xuất trình vé và các giấy tờ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, các đối tượng phục vụ công tác tổ chức trận đấu phải được tiêm phòng đầy đủ, thực hiện rửa tay, khử khuẩn,... theo quy chuẩn y tế.
Dịch bệnh còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nhưng cuộc sống không thể đứng yên. Những cổ động viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi 2 cách 14 ngày) cùng xét nghiệm âm tính cần được tạo điều kiện.
Trên thế giới, nhiều đội bóng tại Anh như Manchester United, Chelsea, Liverpool đã mở cửa sân để cổ động viên trở lại, với điều kiện đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch, khử khuẩn trong điều kiện cho phép. Tương tự là Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức,... với các sân được mở từ một phần đến toàn bộ.
Tất nhiên, các khán giả vào sân, bên cạnh việc tiêm đủ vaccine, còn phải thực hiện quy tắc 5K: giữ khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế đầy đủ, đeo khẩu trang và không tập trung ở trong và ngoài sân vận động.
Việc mở cửa sân chào đón khán giả cần được thực hiện thận trọng, có sự tư vấn, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Chúng ta đề phòng, nhưng cần thích nghi, thay đổi từng bước.
Chỉ có như vậy, nhịp sống bóng đá nói riêng và nhịp sống thường nhật nói chung mới sớm trở lại sau quãng thời gian dài gồng mình chống dịch.