Cùng với sự phát triển của thời đại, cuộc sống của trẻ dần bị khoa học kỹ thuật cao thâm nhập, “trò chơi điện tử” đã thay thế cho việc “Chơi cùng bạn”. Tuy nhiên, dù trò chơi điện tử có thông minh đến đâu thì cũng không thể sánh với người bạn cùng chơi với trẻ.
Việc học tập các quy phạm đạo đức xã hội là nội dung quan trọng của xã hội hoá nhi đồng.
Việc tìm hiểu quy phạm đạo đức xã hội chính là điểm khởi đầu của “quy tắc trò chơi”. Trẻ sẽ hợp nhau lại để cùng chơi một trò chơi mà trước hết trẻ sẽ cùng thương lượng để định ra một số “Quy tắc trò chơi”. Ví dụ như trò chơi “Trốn tìm”: Trốn ở đâu mới có hiệu quả, làm thế nào để thắng được, làm trái với quy tắc thì thế nào…
Những quy tắc này đều phải công bằng với tất cả mọi người thì mới được công nhận. Nếu trong trò chơi có một đứa trẻ luôn làm điều trái thì sự trừng phạt lớn nhất đối với nó là bị đuổi ra khỏi cuộc chơi.
Khi còn nhỏ, mỗi đứa trẻ đều là “người theo chủ nghĩa lấy bản thân làm trung tâm”, chúng chỉ nghĩ đến nhu cầu của bản thân mà không để ý đến nhu cầu của người khác. Chính “trò chơi” đã làm cho trẻ hiểu rằng cần phải “hợp tác”, nếu không sẽ bị tách rời khỏi tập thể, không thể chỉ thoả mãn nhu cầu của mình mà còn phải nghĩ đến nhu cầu của người khác. “Trò chơi” làm cho trẻ dần học được rằng phải suy xét vấn đề trên lập trường của người khác. “Khả năng làm thay đổi tình cảm” này chính là nền tảng của đạo đức tốt đẹp.
Trong trò chơi chung, trẻ sẽ trải qua “Sự cọ xát trong quan hệ xã hội”, “Sự va chạm về tính cách”, những ưu điểm được tập thể chấp nhận sẽ được giữ gìn và tăng cường; những nhược điểm không được hoan nghênh sẽ tự nó mất đi, nhân cách sẽ trở nên hoàn thiện.
Chỉ có trong trò chơi với bạn bè, trẻ mới học được những “Quy tắc trò chơi” mà mình tự đặt ra là do nhu cầu của hoạt động cộng đồng. Việc tuân thủ “Quy tắc trò chơi” phải xuất phát từ sự tự nguyện, tự giác của mỗi cá nhân thì mới có thể tiếp tục chơi được. Đây chính là sự manh nha của ý thức chủ thể và ý thức đạo đức kỷ luật của bản thân.
Quy tắc của trò chơi điện tử lại do người thiết kế phần mềm trò chơi quy định, đối với người chơi, họ không thể tham gia vào việc đưa ra quy định của trò chơi dù quy tắc đó có đúng đắn hay không. Khi trẻ chơi trò chơi điện tử, trẻ tuyệt đối không nghĩ đến việc những quy tắc này có hợp lý hay không, có an toàn hay không mà chỉ biết “Thích ứng”. Quy tắc của trò chơi điện tử là được định sẵn, việc tuân thủ quy tắc là điều bắt buộc, chỉ đến khi mặt mũi xanh xao, đầu đau nhức thì mới có thể học được cách tuân thủ những quy tắc rắc rối đó.
Khi trẻ bị những trò chơi điện tử cuốn hút, dành nhiều thời gian vào trò chơi điện tử, trẻ sẽ mất đi sự thích thú khi đi chơi với bạn bè. Sau khi trẻ không còn chơi với bạn, ý thức đạo đức, ý thức hợp tác, hoàn thiện nhân cách sẽ mất đi sự rèn luyện tốt nhất, nhất là đối với những đứa trẻ con một. Trò chơi điện tử đã làm rối loạn quá trình xã hội hoá bình thường của trẻ.
Các bậc cha mẹ hãy tạo nhiều điều kiện và cơ hội để việc “Chơi cùng bạn” trở lại với trẻ em. Hãy để trẻ giao tiếp nhiều với thực tế mà không phải là chơi nhiều với trò chơi điện tử. Đây cũng là cách bảo vệ sức khoẻ thể chất và tâm hồn cho trẻ./.