Chính sách giáo dục

Nên giao trách nhiệm về xét duyệt và bổ nhiệm GS, PGS cho trường đại học

23/04/2025 21:17

Theo một số chuyên gia, có thể tham khảo quy định của các nước, tiến tới quy trình và tiêu chí xét GS, PGS do các trường đại học quy định và thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Các chuyên gia ngành Sinh học đã có những đánh giá về ưu điểm của Quyết định số 37, đồng thời đưa ra một số góp ý, kiến nghị.

Công bố khoa học vừa là động lực vừa là thách thức

Chia sẻ về quy định công bố kết quả nghiên cứu khoa học đối với ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trần Bình - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam cho biết:

“Trong hai thập niên qua, công bố khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc gia và quốc tế đã trở thành tiêu chí hợp pháp và hợp thức trong việc đánh giá chất lượng và phân định người làm khoa học. Vì vậy đây là quy định đúng đắn phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập. Hơn nữa quy định này trở thành động lực cho các nhà khoa học chú trọng nghiêm túc vào công tác nghiên cứu thực sự.

Tuy nhiên, trong thực tiễn nhiều năm qua dấy lên lo ngại có tổ chức và cá nhân dùng tiền mua công bố khoa học khiến cho việc xem xét tiêu chí số lượng công bố trở nên không còn khách quan. Để tránh tình trạng này cần có các nhà chuyên môn trung thực phản biện đánh giá chất lượng công trình và xác định tính chính chủ của công trình.

Đối với các ứng viên ngành Sinh học có thể chia thành hai nhóm: Nhóm đang công tác ở các viện nghiên cứu thì chỉ tiêu số công bố khoa học có thể hoàn thành tương đối dễ dàng, bởi mọi đề tài, đề án đều yêu cầu có công bố.

Nhóm ứng viên đang làm công tác giảng dạy ở các đơn vị đào tạo, cơ sở vật chất cho nghiên cứu còn hạn chế có phần khó khăn hơn. Vì vậy, cần có tinh thần tìm kiếm cơ hội hợp tác liên ngành liên lĩnh vực.

Tóm lại, quy định trên đối với cả hai nhóm đều cần thiết và là động lực tốt. Điều này không chỉ thích hợp với ngành Sinh học mà còn đúng cho lĩnh vực Khoa học tự nhiên còn đối với lĩnh vực Khoa học xã hội, Văn hóa nghệ thuật nên có quy định đặc thù phù hợp hơn".

Chia sẻ thêm về quy định nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trần Bình khẳng định: "Tiêu chí này là tương đối thấp, có thể đáp ứng đối với hầu hết cán bộ nghiên cứu, ở đó nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện các đề tài, đề án. Mặc dù vậy, quy định sẽ không dễ đối với cán bộ chuyên giảng dạy, vì số lượng đề tài nghiên cứu khá hạn chế.

Trong thực tiễn, giáo sư, phó giáo sư đều là những cán bộ khoa học chủ chốt, đã là chủ chốt thì phải trải qua công tác quản lý chủ trì các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học".

Có quan điểm cho rằng quy định về điểm công trình khoa học được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đối với tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư có thể gây áp lực cho các ứng viên. Thậm chí, dẫn đến trường hợp "chạy" bài báo, vì đã có hiện tượng một tác giả xuất hiện nhiều lần trong một số tạp chí hoặc một kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế có nhiều bài cùng tên tác giả.

Dưới góc nhìn của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trần Bình, không ít ứng viên vì lý do này hay lý do khác mà số điểm công trình không tập trung hội đủ trong 3 năm cuối theo quy định (có ít nhất 2,5 điểm công trình khoa học được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đối với ứng viên xét phó giáo sư; có ít nhất 5,0 điểm được thực hiện trong 3 năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đối với ứng viên xét giáo sư).

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không xứng đáng, có thể mở rộng thêm phạm vi thời gian và tỷ lệ điểm công trình bắt buộc phải đủ để xem xét toàn diện hơn.

Ngoài ra, việc xuất hiện một số công bố tập trung trong quãng thời gian ngắn có bị xem là tiêu cực trong xuất bản công trình hay không, phải xem xét nội dung và chất lượng công trình. Vấn đề ở đây tính khách quan trung thực của những người phản biện.

Nên giao trách nhiệm về xét duyệt và bổ nhiệm GS, PGS cho trường đại học (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)

Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Sinh học năm 2023: "Quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học vừa tạo động lực nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học đối với các ứng viên giáo sư, phó giáo sư, vừa đặt ra không ít thách thức cho những người công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế trong điều kiện nghiên cứu.

Tuy nhiên, xét riêng ngành Sinh học, chất lượng nghiên cứu khoa học của các ứng viên đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt. Đáng chú ý, hàng năm, đa số ứng viên ngành Sinh học đều có số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín vượt xa yêu cầu.

Theo tôi, quy định này hoàn toàn phù hợp với tất cả các ngành, bao gồm cả ngành Sinh học. Bởi lẽ, việc chủ nhiệm đủ số lượng đề tài khoa học theo yêu cầu là điều kiện tiên quyết, tối thiểu để ứng viên có đủ số bài báo quốc tế uy tín, mà họ đứng tên là tác giả chính, đúng như quy định đã đề ra".

Cùng bàn luận về hiện tượng “chạy bài” trên các tạp chí, hội nghị khoa học. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc bày tỏ: "Thực tế, hiện tượng này khó có thể xảy ra ở các tạp chí và hội nghị khoa học quốc tế uy tín, ngoại trừ các tạp chí “săn mồi”.

Để hạn chế tình trạng này, tôi đề xuất Hội đồng Giáo sư Nhà nước cùng các tạp chí và hội nghị khoa học trong nước cần ban hành quy định cụ thể về số lượng bài báo có cùng tác giả trong một số, các số tạp chí trong năm hoặc trong khuôn khổ một hội nghị.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc phát triển các kênh phản biện liêm chính học thuật là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để thực sự đóng góp vào sự phát triển học thuật của nước nhà, các kênh này cần đảm bảo tính chính danh và các ý kiến phản biện phải dựa trên tinh thần khoa học, khách quan".

z6508383246044-e9b97ce09bc0fbe27c97a32e3cbd5033-2240-1616.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc - Ủy viên Hội đồng Giáo sư ngành Sinh học năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Giao trọn vẹn trách nhiệm về xét duyệt và bổ nhiệm cho trường đại học

Bàn luận thêm về công tác xét duyệt, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trần Bình chia sẻ: "Cộng đồng nói chung khó lòng phân biệt được giáo sư, phó giáo sư do đơn vị tự bổ nhiệm hay giáo sư, phó giáo sư đã được nhà nước xét công nhận đủ tiêu chuẩn sau đó cơ sở giáo dục bổ nhiệm.

Vì vậy, trong thời gian qua, đâu đó còn diễn ra tình trạng có người vẫn dùng học hàm giáo sư do trường tự bổ nhiệm, thậm chí không bổ nhiệm chính thức mà chỉ gọi chung chung đối với giảng viên đại học. Tình trạng này đã xuất hiện ở một số trường vì mục đích tuyển sinh và quảng cáo. Bên cạnh đó, còn có một số tổ chức nước ngoài lợi dụng tính háo danh để tiến hành bổ nhiệm, phong chức danh giáo sư cho những người tham gia sau khi đóng một khoản phí.

Bởi vậy, cần có hệ thống bổ nhiệm thống nhất toàn quốc, cũng như học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nếu vi phạm phải bị tước bỏ. Cần có cơ chế xử phạt những người làm sai quy định do thiếu hiểu biết hay cố tình. Có lẽ cũng giống như công tác tư pháp và công tác trọng tài, phải từng bước cải thiện theo sự phát triển xã hội".

Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc, để tạo thuận lợi cho hội đồng thẩm định và giảm thiểu công sức chuẩn bị hồ sơ cho ứng viên, quy trình đánh giá hồ sơ xét chức danh giáo sư, phó giáo sư nên được thực hiện trực tuyến. Đồng thời, nhằm đảm bảo sự công bằng trong đánh giá, nên có sự điều chỉnh tương xứng giữa yêu cầu về giờ giảng và điểm công trình quy đổi đối với ứng viên là giảng viên và ứng viên kiêm nhiệm việc giảng dạy.

Bên cạnh đó, trước ý kiến nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn còn trường đại học sẽ thực hiện xem xét công nhận và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Lộc bày tỏ: “Nếu trao quyền tự chủ cho các trường trong việc xét công nhận và bổ nhiệm, cần giao trọn vẹn trách nhiệm cho họ về các tiêu chí và tiêu chuẩn tương ứng. Trách nhiệm này sẽ trực tiếp tác động đến uy tín của nhà trường. Trọng tâm của vấn đề trên là giải pháp nào cho các trường chưa đủ điều kiện thành lập hội đồng".

Ngoài ra, để tạo thuận lợi trong việc thu hút, tuyển dụng giảng viên xuất sắc gắn với bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư trong và ngoài nước, thầy Lộc cho rằng, điều quan trọng là phải trân trọng đội ngũ giảng viên này, bao gồm việc đảm bảo các chế độ đãi ngộ cần thiết.

Tuy nhiên, yếu tố then chốt hơn là tạo cho họ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp với một môi trường làm việc thân thiện và hợp tác.



Theo Giáo dục Việt Nam
https://giaoduc.net.vn/nen-giao-trach-nhiem-ve-xet-duyet-va-bo-nhiem-gs-pgs-cho-truong-dai-hoc-post250778.gd
Copy Link
https://giaoduc.net.vn/nen-giao-trach-nhiem-ve-xet-duyet-va-bo-nhiem-gs-pgs-cho-truong-dai-hoc-post250778.gd
Bài liên quan
Phát triển giáo dục đến 2030, tầm nhìn đến 2045: Dồn lực xóa phòng học tạm
Quyết tâm kiên cố hóa trường lớp được đặt ra mạnh mẽ trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nên giao trách nhiệm về xét duyệt và bổ nhiệm GS, PGS cho trường đại học