Theo thầy Phùng Kim Phú, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng), mục tiêu của trường chuyên là tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, tư duy độc lập và sáng tạo nhằm tạo nguồn phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Các lớp không chuyên trong trường chuyên tồn tại chỉ một phần đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; phần khác nhằm thỏa mãn tâm lý “đề cao trường chuyên” của phụ huynh. Việc tồn tại các lớp không chuyên vô hình trung đã không đúng với tôn chỉ mục tiêu của trường chuyên. Học sinh lớp không chuyên có thể học tập tại các trường THPT khác phù hợp với phẩm chất, năng lực cá nhân; tránh áp lực, quá tải, giúp các em phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực.
“Văn hóa nhà trường phải đề cao tính bình đẳng, công bằng trong giáo dục. Học sinh các lớp không chuyên thường bị định kiến “học sinh hạng hai” nên ít được quan tâm hơn từ nhà trường, thầy cô và bạn bè. Nhiều học sinh phải chịu áp lực, mặc cảm khi học các lớp không chuyên. Bộ GD&ĐT trong dự thảo quy chế trường chuyên có quy định: Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên. Cá nhân tôi ủng hộ quy định này. Bởi, mỗi mô hình trường cần phải thực hiện đúng sứ mệnh, mục tiêu đã đề ra.
Khi mục tiêu bị phân tán sẽ khó tập trung nguồn lực để phát triển đúng hướng, dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí tiêu cực trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động giáo dục. Tiếp đó, tạo môi trường giáo dục công bằng, bình đẳng, giảm thiểu sự phân biệt đối xử giữa học sinh lớp chuyên và không chuyên.
Đồng thời góp phần thực hiện tốt quan điểm dạy học phân hóa về đối tượng, nội dung, phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, điều này phù hợp với quan điểm giáo dục của Đảng và Nhà nước đã thể hiện trong Luật Giáo dục năm 2019” - thầy Phùng Kim Phú nêu quan điểm.
Cùng quan điểm, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai cho rằng: Trường chuyên là nơi phát hiện, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Do đó, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường phải là nhà giáo giỏi, trách nhiệm, không ngừng tìm tòi, nghiên cứu nhằm hướng dẫn, hỗ trợ học sinh phát huy năng lực vốn có. Ngoài chương trình phổ thông, trường chuyên còn thực hiện dạy - học chuyên sâu các môn học chuyên.
Việc tuyển chọn học sinh đầu vào rất khắt khe, kể cả phương pháp dạy - học cũng không như ở các trường phổ thông. Học sinh không ngừng tự học, giáo viên không ngừng nghiên cứu tìm tòi nâng cao chuyên môn, nếu không giữa học sinh và giáo viên sẽ gặp trở ngại lớn. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách dành cho học sinh, nhà giáo ở trường chuyên cũng khác. Do đó, việc tổ chức lớp không chuyên (đại trà) trong trường chuyên dẫn đến nhiều bất cập. Bất cập lớn nhất là về nhiệm vu, quyền lợi giữa các giáo viên trong trường.
Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) năm học 2022 - 2023. Ảnh: INT |
Ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long bày tỏ đồng tình, ủng hộ cao với các mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của trường chuyên được Bộ GD&ĐT nêu trong dự thảo. Mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn và chiến lược phát triển của trường chuyên cần được thay đổi để phù hợp hơn. Do đó, việc không duy trì lớp định hướng trong trường chuyên là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Nhiệm vụ giảng dạy học sinh phổ thông đã được các trường không chuyên thực hiện rất tốt; bởi vậy việc để trường chuyên tập trung dạy hệ chuyên, học sinh chuyên là phù hợp. Đối với những học sinh chưa trúng tuyển vào lớp chuyên có thể tiếp tục phấn đấu rèn luyện để tham gia kỳ thi tuyển bổ sung.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, ông Trịnh Văn Ngoãn mong Bộ GD&ĐT xem xét mở rộng số môn chuyên cho các ngoại ngữ khác để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực, nhân tài ngôn ngữ ngay từ trường phổ thông. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay và xu thế của tương lai.
Ngoài ra, ông Trịnh Văn Ngoãn cũng cho rằng, cần duy trì mô hình lớp theo lĩnh vực chuyên để các địa phương, cơ sở giáo dục đại học linh hoạt trong giao chỉ tiêu tuyển sinh cho từng môn chuyên và tổ chức lớp trong trường chuyên. Việc này rất cần thiết để ổn định đội ngũ và bồi dưỡng nhân tài cho những môn không phải thế mạnh nhưng vẫn có học sinh có năng lực vượt trội cần được bồi dưỡng để thành nhân tài, ví dụ môn Lịch sử, Địa lý...
Bên cạnh quan điểm ủng hộ, cũng có ý kiến cho rằng nên có lớp không chuyên trong trường chuyên. Về việc này, cô Đặng Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang) đưa ra 4 lý do: Cơ sở vật chất, đội ngũ… của trường chuyên được quan tâm đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy các lớp không chuyên; nếu chỉ dạy lớp chuyên với số lượng học sinh khá ít sẽ lãng phí.
Hơn nữa, học sinh đỗ vào lớp không chuyên của trường chuyên cũng được sàng lọc từ số đông học sinh đăng ký dự thi nên chất lượng đảm bảo có thể học tập tốt tại trường chuyên, tạo đội ngũ cận chuyên tốt cho đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Nhiều học sinh của trường không là học sinh lớp chuyên vẫn rất thành đạt khi ra trường.
Ngoài ra, lớp không chuyên trong trường chuyên là nơi thuận lợi cho nhiều học sinh thực hiện được ước mơ tương lai của mình khi ở môi trường dạy - học tốt. Cuối cùng, lớp không chuyên trong trường chuyên còn là nơi để các học sinh bị sàng lọc khỏi lớp chuyên có thể tiếp tục được tạo điều kiện học tập, rèn luyện ở ngôi trường mình mơ ước, thể hiện tính nhân văn của môi trường giáo dục.
Tại Trường THPT chuyên Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hưng cho biết không tham mưu với sở GD&ĐT về việc mở lớp không chuyên trong trường chuyên. Theo thầy Hưng, mục tiêu, nhiệm vụ, quyền hạn của trường chuyên đã quy định rõ; nếu mở lớp không chuyên sẽ mâu thuẫn với quy định này. Hiện nay, một số địa phương có mở lớp không chuyên trong trường chuyên nhằm khai thác cơ sở vật chất, đội ngũ. Tuy nhiên, trên thực tế các tỉnh/thành có nhiều cơ sở giáo dục cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo tốt, nên không nhất thiết phải mở lớp không chuyên trong trường chuyên.