Trước thực trạng đáng lo ngại trên, chúng tôi đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ cùng Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Đặng Minh Khuê đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội).
Theo ThS. Minh Khuê, có nhiều lý do khiến cho những bất ổn về tâm lý dường như ngày càng gia tăng trong thời đại này. “Trong hàng ngàn ca được hỗ trợ tại Viện, rất nhiều phụ huynh cũng hỏi chúng tôi vì sao cuộc sống con họ tốt hơn thời bố mẹ rất nhiều, nhưng họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Là những người làm tham vấn - trị liệu tâm lý, có thể giúp người nhà hiểu và thông cảm được với thân chủ là một trong những mục tiêu thường có trong các ca làm việc của chúng tôi”, ThS. Minh Khuê nói.
“Chúng ta ai cũng đôi lần nảy ra ý nghĩ ‘Chết quách đi cho xong’. Nhưng không phải lúc nào những dòng suy nghĩ ấy cũng biến thành ý tưởng hay hành vi tự sát. Thông thường, một người nghĩ đến cái chết như một giải pháp tức là họ đã bế tắc lâu rồi. Họ bị mắc kẹt trong những vấn đề quá sức chống đỡ của họ, đến nỗi dường như chỉ có cái chết mới giải phóng họ khỏi cảm giác khổ sở họ đang trải qua.
Sự vui vẻ chúng ta thấy đôi khi chỉ là lớp vỏ bên ngoài, cái cây của sự đau khổ, thất vọng, mệt mỏi đã cắm rễ từ lâu mà đôi khi, chính người trong cuộc cũng không nhận thức được. Đến một ngày, khi rễ cây cắm đủ sâu, thì kể cả khi cuộc sống của họ có viên mãn và thuận lợi, họ cũng không có đủ sức lực để tận hưởng cuộc sống ấy”.
Lý giải về nguyên nhân khiến người trẻ phải đối diện với những áp lực vô hình, Thạc sĩ Đặng Minh Khuê cho biết có thể kể đến một vài điều như sau:
Nhịp sống nhanh, cuộc sống thay đổi với tốc độ chóng mặt và đòi hỏi sự thích nghi cao: Công việc ngày hôm nay của bạn có thể đang rất thành công, nhưng rất có thể vài năm sau, công việc này sẽ bị thay thế bởi AI hoặc những công nghệ hiện đại. Điều này khiến cho người trẻ không chỉ bị áp lực trong thời điểm “hiện tại”, mà họ thường xuyên phải lo lắng cho “tương lai”, phải thay đổi và thích nghi liên tục. Khi điều này kéo dài, tình trạng mệt mỏi, kiệt sức là điều khó tránh khỏi.
Thế giới phẳng khiến người trẻ không chỉ chịu bị so sánh và áp lực từ “con nhà người ta”, mà có thể từ những người cách xa nửa vòng trái đất, hoặc cách mình vài thế hệ: Sự bùng nổ của mạng xã hội và internet cũng khiến ta dễ bị “ngộ độc” thông tin, đặc biệt là nếu ta phải tiếp xúc nhiều với những thông tin tiêu cực, độc hại.
Không chú ý việc tự chăm sóc, bỏ bê bản thân, thiếu hụt các hoạt động thể chất: Thân - tâm - trí luôn là ba trụ cột cần đảm bảo để ta có được cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Tuy nhiên ở những thành phố lớn, nơi áp lực cuộc sống cao, chúng ta chỉ làm việc với đầu óc và tâm trí mà quên mất việc chăm sóc nó, thậm chí chấp nhận đánh đổi sức khỏe cho công việc. Khi phần khung bên ngoài rệu rã, nó sẽ kéo cả bộ máy bên trong sụp đổ theo.
Vấn đề về gen và bẩm sinh có vai trò nhất định, tuy nhiên các rối loạn tâm lý thường là kết quả của cả yếu tố di truyền và các tác động từ môi trường bên ngoài. Vì vậy, đảm bảo một cuộc sống điều độ, giữ môi trường sống và các mối quan hệ xung quanh lành mạnh, thấu hiểu bản thân và có kỹ năng điều tiết cảm xúc hợp lý sẽ giúp phòng ngừa những vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Theo ThS. Minh Khuê, thực tế là bạn luôn có thể gặp nhà tâm lý khi bạn có một vấn đề gì đó không thể giải quyết một mình, miễn là bạn có nhu cầu được giúp đỡ.
Nếu bạn có một hoặc hơn trong số những chỉ báo dưới đây, bạn nên đi gặp sự hỗ trợ chuyên nghiệp:
- Tâm trạng thay đổi thất thường, khó kiểm soát và khó lấy lại cân bằng.
- Xuất hiện vấn đề về tư duy, suy giảm tập trung, trí nhớ, khả năng ngôn ngữ hoặc tư duy logic.
- Xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và/hoặc người khác.
- Mất động lực, mất hứng thú với các hoạt động hoặc người xung quanh
- Lịch sinh hoạt đảo lộn, khó ngủ hoặc lúc nào cũng mệt mỏi, buồn ngủ; Thường xuyên thèm ăn hoặc giảm cảm giác muốn ăn một cách rõ rệt.
- Tự cô lập, mất kết nối với những người thân, người xung quanh.
- Bỏ học, bỏ việc, bỏ bê các sở thích hoặc thói quen hằng ngày.
- Xuất hiện những hành vi bất thường, kỳ quặc, khó kiểm soát.
- Lạm dụng chất kích thích, internet; hoặc có dấu hiệu lệ thuộc quá mức một người, hoặc một điều gì đó.