“Chúng tôi có thể bàn giao sản phẩm trong khung thời gian ngắn nhất có thể”, Lee khẳng định, và cho biết, cần 3-4 tháng để chế tạo một hệ thống lựu pháo từ nguyên liệu thô.
Seoul từ lâu đã có tham vọng lọt vào nhóm các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, cụ thể là vị trí thứ tư, sau Mỹ, Nga và Pháp. Tham vọng đó giờ có vẻ khả thi.
Seoul đã và đang xuất khẩu đạn pháo cho Washington, nhưng thỏa thuận về “người sử dụng cuối cùng” có thể cho phép Mỹ cung cấp đạn pháo cho Kiev.
Ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc có một lợi thế so với các quốc gia xuất khẩu vũ khí khác. Đó là “luôn sẵn sàng cho chiến tranh”, ông Choi Dong-bin, phó chủ tịch cấp cao của Hanwha Aerospace cho biết.
Cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên từ năm 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chưa có thỏa thuận hòa bình, vì thế hai miền về danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Ông Choi nói rằng điều này tạo nên lợi thế cho Hàn Quốc về sản xuất vũ khí, vì Seoul có năng lực sản xuất quy mô hàng loạt và dễ dàng mở rộng khi nhận được đặt hàng.
Ông Choi nói rằng vũ khí của Hàn Quốc đã được kiểm nghiệm trên chiến trường, ở khu vực biên giới có mức độ quân sự hóa cao nhất thế giới.
Vì chịu nhiều lệnh trừng phạt, Triều Tiên thiếu vũ khí và khí tài công nghệ cao như Hàn Quốc, nhưng vẫn dự trữ vũ khí từ thời Liên Xô.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vừa thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin. Mỹ và các đồng minh cho rằng hai bên có thể đã ký thỏa thuận để Bình Nhưỡng cung cấp đạn pháo và tên lửa chống tăng cho Nga để đổi lấy công nghệ vệ tinh.
Các nhà quan sát cho rằng một thỏa thuận như vậy có thể thay đổi tính toán của Seoul, dẫn đến việc Hàn Quốc viện trợ vũ khí trực tiếp cho Ukraine.
Theo Japan Times, CNN