Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lầu là một khung hình chữ nhật, cao gần 1m, rộng khoảng 3m, có đắp nổi ba chữ Hán “Đông Hà Môn”.
Tường phía bên trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu Nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô.
Những nét rêu phong và sự ăn mòn của thời gian khiến Ô Quan Chưởng trở nên cổ kính, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Theo lịch sử lưu truyền, Đông Hà Môn được đổi tên thành Ô Quan Chưởng là để tưởng nhớ công lao của một viên Chưởng cơ và đội quân 100 binh lính do ông chỉ huy đã anh dũng chiến đấu với quân Pháp để bảo vệ thành Hà Nội. Đối với những người gốc Hà Nội hay dân sinh sống lâu năm trên con phố Ô Quan Chưởng, Hàng Chiếu, Trần Nhật Duật..., Ô Quan Chưởng đã trở nên gần gũi và gắn bó không thể tách rời.