Stockton Rush thành lập công ty OceanGate năm 2009 tại Washington, Mỹ. Ông ra mắt nhiều loại tàu ngầm có khả năng lặn đến 500 m so với mực nước biển.
Sau hai tàu lặn Antipodes và Cyclops 1 lần lượt đạt độ sâu khoảng 300-500 m, ông đặt tham vọng lớn hơn, thành công để tàu Titan vận hành, lặn xuống độ sâu 3.800 m, có thể tiếp cận quan sát xác tàu Titanic. Tàu Titan có vỏ bọc thân dày 12,7 cm, cấu tạo sợi carbon, cấu trúc mái vòm ở phần đuôi tàu. Đây là tàu lặn tư nhân đầu tiên trên thế giới đến chỗ có xác tàu Titanic, theo WSJ.
Công ty tổ chức tổng cộng 18 chuyến thám hiểm, tính đến năm nay. Trước đó Rush nói công ty chưa có lãi vì nhiên liệu đắt, chi phí mọi thứ cao.
Khi vận hành dịch vụ lặn biển, công ty đối mặt nhiều vấn đề, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đợt thử nghiệm ở Bahamas năm 2018, tàu lặn của OceanGate bị sét đánh, hệ thống điện bị hỏng.
Một năm sau, dự án tàu lặn biển ngắm xác tàu Titanic bị hoãn vì gặp trục trặc trong việc thuê tàu chuyên chở đội thám hiểm, thiết bị.
Cùng năm tuyên bố vận hành dịch vụ thám hiểm xác tàu Titanic, Hiệp hội Công nghệ Tàu biển cảnh báo quyết định của OceanGate có thể gây ra thảm họa. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là chuyến đi tử thần, hoàn toàn có khả năng không có ngày về.
Tàu lặn dù cứng đến mấy, khi đến độ sâu 4.000 m dưới mặt nước biển, áp suất tăng mạnh. Chỉ cần có vết nứt, tàu có thể nổ tung, dễ dàng bị nghiền nát như lon nước ngọt.
Tàu Titan mất tích ngày 18/6 trong chuyến lặn khám phá xác tàu Titanic. Ngày 22/6, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ tuyên bố 5 người trong chuyến đi thiệt mạng sau vụ nổ thảm khốc. Tỷ phú Stockton Rush - CEO của OceanGate - "sinh nghề tử nghiệp" khi có mặt trong chuyến lặn biển không ngày trở về.