Ngăn chặn từ gốc hành vi tự tử ở trẻ

17/07/2023, 08:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian gần đây, hành vi tự sát ở trẻ vị thành niên có dấu hiệu gia tăng và để lại những nỗi đau dai dẳng đối với gia đình.

TS Ngô Anh Vinh - Phó Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) - phân tích, độ tuổi vị thành niên là giai đoạn thay đổi tâm lý nên trẻ rất nhạy cảm với những yếu tố tác động bên ngoài cuộc sống. Những mâu thuẫn trong cuộc sống với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến trẻ không tìm ra được phương pháp giải quyết, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát và sau cùng chọn hành vi tự sát như một cách giải thoát những bế tắc.

Ngoài ra, áp lực học tập, thi cử do bản thân, gia đình cũng khiến trẻ nghĩ đến chuyện tiêu cực sau thất bại. Đại dịch Covid-19 kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của đối tượng trẻ em, học sinh.

PGS.TS Trịnh Thị Linh - Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN - nêu quan điểm: Để ngăn ngừa, về hành vi tự gây tổn thương, mục tiêu đầu tiên của nhà trường là tăng cường nhận thức của toàn thể học sinh và đội ngũ giáo viên, nhân viên về hành vi này, cùng những yếu tố nguy cơ, dấu hiệu nhận biết sớm và điều chỉnh lại những nhận thức sai lầm.

Nhà trường phải dạy cho học sinh biết cách ứng xử thích hợp khi tiếp cận với những bạn khác có hành vi tự gây tổn thương hoặc có nguy cơ tự gây tổn thương. Cần thông báo những biểu hiện hành vi tự gây tổn thương cho giáo viên và các cán bộ của trường cả trong trường hợp các em trực tiếp quan sát thấy hoặc đọc được trong nhật ký cá nhân, nghe kể lại qua các bạn.

Mục tiêu thứ hai là ngăn ngừa một cách hiệu quả “hiệu ứng domino” của hành vi tự gây tổn thương trong trường học. Vì hành vi tự gây tổn thương rất dễ lây lan qua việc quan sát, tiếp cận với những người có hành vi tự gây tổn thương. Bởi vậy, giáo viên phải khuyến khích các em không nói về hành vi tự gây tổn thương của mình với bạn bè, không được mô tả lại sự kiện hoặc những suy nghĩ của mình.

Ngoài ra, giáo viên và các cán bộ ở trường học cũng phải đánh giá nguy cơ của các trang web và Internet ảnh hưởng đến hành vi tự gây tổn thương của học sinh bằng một số câu hỏi đơn giản như: Em có hay kết bạn trên mạng không? Em đã từng ghé thăm một trang web/blog nào có nói về những hành vi tự gây tổn thương chưa?...

Với mục tiêu can thiệp, phương pháp can thiệp của nhà trường chủ yếu tập trung vào việc khuyến khích các em tăng cường đầu tư vào các hoạt động thế mạnh của mình, khuyến khích tham gia nhiều hình thức hoạt động nhóm để tái thiết lập lại các mối quan hệ và trải nghiệm những cảm giác tích cực.

Tiếp đến, tổ chức các hình thức sinh hoạt, tập huấn ngoại khóa giúp các em phát triển kỹ năng sống và hội nhập, tăng cường khả năng chịu đựng stress ở mỗi cá nhân, khuyến khích tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn và cách giải quyết vấn đề. Tất cả những hoạt động này giúp trường học trở thành nơi các em cảm thấy có thể gắn kết, chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ khi phải đương đầu với những hành vi tự gây tổn thương…

Ông Trần Văn Đạt - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc trợ giúp các em vượt qua những vấn đề về hành vi và học tập. Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn tâm lý ở các trường phổ thông, các nhà trường cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các lực lượng khác trong nhà trường về công tác tư vấn tâm lý học đường; xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn, tham vấn cụ thể theo từng năm học, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tâm lý học đường chuyên nghiệp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ngan-chan-tu-goc-hanh-vi-tu-tu-o-tre-post646865.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ngan-chan-tu-goc-hanh-vi-tu-tu-o-tre-post646865.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn từ gốc hành vi tự tử ở trẻ