Giải trình về kết quả kinh doanh vượt trội trong quý IV và cả năm qua, đại diện ngân hàng cho biết trong quý cuối cùng của năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều cải thiện, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu phục hồi và cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng đã giải ngân cho vay đáp ứng vốn cho nền kinh tế dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước.
Các đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp sản xuất được cải thiện dẫn tới nhu cầu về vốn ngoại tệ tăng lên. Ngân hàng cung cấp các dịch vụ ngoại hối đáp ứng yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, LPBank triển khai các sản phẩm mới tăng cường các dịch vụ thanh toán trong và ngoài nước làm cho thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng.
Báo cáo tài chính của LPBank cho thấy, lượng tiền gửi của khách hàng tính đến 31/12/2023 đạt hơn 237.391 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng đạt 18% với xấp xỉ 272.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đạt 1,26%, thấp hơn cùng kỳ (1,45%), đưa LPBank lọt top các ngân hàng có nợ xấu thấp nhất toàn ngành.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của LPBank đạt 382.953 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Cũng trong năm 2023, LPBank tăng vốn điều lệ từ 17.291 tỷ đồng lên 25.576 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm, trở thành một trong những ngân hàng có vốn điều lệ đạt trên 1 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, tuy nhiên trong năm đầu tiên bầu Thụy giữ vị trí Chủ tịch của LPBank, phần thù lao, lương thưởng và phúc lợi khác của Hội đồng quản trị; Tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt khác lại giảm mạnh.
Cụ thể, phần chi cho Hội đồng quản trị giảm từ 21,197 tỷ đồng trong năm 2022 xuống còn 8,572 tỷ đồng giảm gần 60%. Phần chi cho Tổng giám đốc và thành viên quản lý chủ chốt khác cũng giảm từ 34,050 tỷ đồng xuống còn 15,699 tỷ đồng (giảm hơn 50%). Chỉ có phần thù lao, lương thưởng của ban kiểm soát tăng từ 2,262 tỷ đồng lên 3,369 tỷ đồng.