Ngân hàng Nhà nước cho biết hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung.
Ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là cần thiết
Đây là một trong số rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến rộng rãi.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng và Công ty Doji, nếu bổ sung quy định TCTD được NHNN xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng vào Nghị định 24, tức là TCTD được thực hiện hoạt động “sản xuất" thì sẽ mâu thuẫn và không phù hợp với quy định tại Luật các TCTD.
Tuy nhiên, giải trình của NHNN về đề xuất trên cho rằng điểm đ, khoản 1 Điều 114 Luật các TCTD 2024 quy định ngân hàng thương mại (NHTM) được phép kinh doanh vàng theo quy định của Thống đốc NHNN.
“Việc cấp phép cho các doanh nghiệp, NHTM tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay đảm bảo cho thị trường vàng cạnh tranh, công khai, minh bạch hơn và đã được NHNN giải trình cụ thể tại các báo cáo, tờ trình gửi lấy ý kiến rộng rãi.
Theo đó, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc xóa bỏ cơ chế độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng tại Thông báo số 211-TB/VPTW, dự thảo Nghị định quy định các điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng với mục tiêu lựa chọn các doanh nghiệp, NHTM có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng để thực hiện việc sản xuất vàng miếng”, NHNN nêu quan điểm.
Theo báo cáo tổng hợp, giải trình của NHNN về ý kiến các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, hiệp hội đối với dự thảo, một số doanh nghiệp và ngân hàng kiến nghị NHNN nghiên cứu bổ sung quy định, hướng dẫn thực hiện hoạt động bán vàng miếng trực tuyến kết hợp nhận vàng trực tiếp tại các điểm giao dịch được cấp phép, đồng thời cần có quy định về hoạt động bán vàng trực tuyến.
NHNN cho biết, hoạt động thương mại điện tử về vàng thuộc nội dung phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP). Nghị định số 24/2012/NĐ-CP không có quy định về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử về vàng.
Ngoài ra, khoản 1a Điều 20 Thông tư 16/2012/TT-NHNN quy định DN, TCTD chỉ cần thông báo cho NHNN về việc thay đổi (chấm dứt hoặc bổ sung) địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Sẽ cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản khi thành lập sở giao dịch
Các ngân hàng, doanh nghiệp, và Hiệp hội kinh doanh vàng kiến nghị NHNN nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm khác để hỗ trợ thanh khoản của thị trường như: vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, tiết kiệm/cho vay vàng, sàn giao dịch vàng quốc gia…
Đề xuất NHNN xem xét bổ sung điều khoản cho phép DN, TCTD sản xuất vàng miếng; xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro biến động giá (futures, forwards, swaps) với vàng tài khoản hoặc thị trường quốc tế.
Đề nghị NHNN nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép DN, TCTD có Giấy phép nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu được mua vàng kỳ hạn từ nước ngoài.
Đề nghị bổ sung cơ chế cho phép TCTD có Giấy phép xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu, Giấy phép sản xuất vàng miếng được ủy quyền cho Công ty con của TCTD thực hiện các hoạt động trong Giấy phép của TCTD.
Giải trình về những ý kiến trên, NHNN cho hay, khoản 2 Điều 112 Luật Tổ chức tín dụng quy định, "Thống đốc NHNN quy định về phạm vi ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, cung ứng sản phẩm phái sinh; điều kiện, hồ sơ thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối, cung ứng dịch vụ ngoại hối, kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của NHTM".
Sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định có liên quan để tạo cơ sở cho NHTM có thể cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng.
Các DN khi sử dụng công cụ phái sinh thực hiện hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 210/2009/BTC hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam.
NHNN sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào Danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở giao dịch hàng hóa theo quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung).
Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở giao dịch vàng tập trung. Tại dự thảo Nghị định, NHNN đề xuất chưa sửa đổi quy định này.
Trước ý kiến của các ngân hàng đề nghị bổ sung cơ chế cho phép TCTD có Giấy phép xuất, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu; Giấy phép sản xuất vàng miếng được uỷ quyền cho công ty con của TCTD thực hiện các hoạt động trong Giấy phép của TCTD, NHNN cho hay, dự thảo Nghị định quy định NHNN chỉ thực hiện cấp phép cho NHTM, không quy định cơ chế uỷ quyền, uỷ thác thực hiện hoạt động đối với công ty con của NHTM.
Các ngân hàng Agribank, BIDV đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định TCTD có thể phát hành Chứng nhận sở hữu vàng cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao dịch vàng vật chất. Việc giao nhận vàng có thể được thực hiện trong tương lai căn cứ theo thỏa thuận của TCTD và khách hàng và được quy định rõ trên Ấn chỉ/Giấy chứng nhận.
Trước ý kiến của Agribank và BIDV, NHNN cho biết đã tiếp thu và sẽ nghiên cứu ban hành hướng dẫn về nội dung này, bao gồm xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của TCTD.