Chiều 9/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các cơ sở giáo dục trên toàn quốc, nhằm thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số” – một bước đi mới trong hành trình chuyển đổi số của ngành, gắn với tinh thần Đề án 06 của Chính phủ về phát triển dữ liệu dân cư và định danh điện tử.
Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, “Bình dân học vụ số” không chỉ là một nhiệm vụ chuyên môn, mà còn mang tính chất của một sứ mệnh xã hội. Trong kỷ nguyên số, tri thức và kỹ năng số không còn là đặc quyền của một bộ phận, mà cần trở thành nền tảng phổ cập cho mọi công dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.
"Đây là bước phát triển tiếp nối phong trào ‘bình dân học vụ’ trong lịch sử, nay được khoác lên mình hình hài của thời đại số", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong bức tranh tổng thể ấy, Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin đóng vai trò điều phối trung tâm. Phó Cục trưởng Tô Hồng Nam cho biết, đơn vị đang tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp từ các cơ sở, hoàn thiện báo cáo trình Bộ trưởng, đồng thời đôn đốc việc thực hiện bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Quan trọng hơn, ông Nam nhấn mạnh nhiệm vụ kết nối – một yếu tố cốt lõi trong chuyển đổi số: "Không chỉ đảm bảo vận hành kỹ thuật trơn tru, Cục còn đóng vai trò kết nối toàn hệ thống giáo dục, từ trường học đến các đơn vị chuyên môn, để triển khai phong trào một cách đồng bộ và bền vững”.
Tại hội nghị, một tiếng nói đầy tâm huyết đến từ PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã nhấn mạnh: chuyển đổi số giáo dục sẽ không toàn vẹn nếu thiếu đi sự hiện diện của những nhóm yếu thế.
Theo ông, việc lồng ghép giáo dục đặc biệt vào “Bình dân học vụ số” là điều cần thiết để đảm bảo quyền học tập bình đẳng cho người khuyết tật, người yếu thế và những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội. Ông đề xuất Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn riêng cho giáo dục hòa nhập trong môi trường số, đồng thời phân bổ nguồn lực để phát triển học liệu chuyên biệt và tập huấn đội ngũ giáo viên.
"Khi chuyển đổi số thật sự bao trùm và nhân văn, chúng ta mới có thể nói đến một xã hội học tập toàn diện – nơi không ai bị bỏ lại phía sau", ông Hiền nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường đại học đã đưa ra những đề xuất mang tính thực tiễn cao để thúc đẩy phong trào đi vào chiều sâu.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội – ông Dương Thăng Long cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hệ thống quản lý học tập. AI có thể giúp cá nhân hóa việc học, hỗ trợ người học lựa chọn nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu của mình.
Từ góc độ xây dựng nền tảng, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế chuyển giao dữ liệu giữa các nền tảng. Theo ông, nếu thiếu liên thông, học liệu số sẽ bị phân mảnh, ảnh hưởng tới tính bền vững của phong trào.
Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao tinh thần tham gia chủ động, đổi mới của các cơ sở giáo dục trong triển khai phong trào. Ông ghi nhận, dù mới bắt đầu, song những kết quả bước đầu đã đặt nền móng quan trọng cho sự lan tỏa bền vững của một phong trào học tập gắn với chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để “Bình dân học vụ số” không chỉ dừng ở phổ cập kỹ năng, mà thực sự tạo dựng được thói quen học tập suốt đời trong môi trường số, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai đồng bộ và có chiều sâu.
Để phong trào đi vào triển khai thực chất, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện các mô-đun học liệu nền tảng, làm cơ sở triển khai đại trà; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục xác định rõ lộ trình, đơn vị thực hiện và mục tiêu cụ thể.
Cùng với đó, cần tiếp tục tích hợp kỹ năng số vào chương trình học thông qua hoạt động thực hành phù hợp với từng bậc học. Hạ tầng công nghệ phải được đảm bảo ổn định, đồng bộ và sẵn sàng kết nối với nền tảng công dân số quốc gia.
Về nguồn lực, Thứ trưởng giao xây dựng cơ chế tài chính minh bạch, hướng dẫn rõ quy trình sử dụng kinh phí hỗ trợ cho việc biên soạn, triển khai và phổ biến học liệu số, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả.
"Thành công của phong trào không nằm ở khẩu hiệu, mà ở những hành động cụ thể, có kế hoạch, có lộ trình và có trách nhiệm. Đó là con đường để ngành Giáo dục góp phần kiến tạo một nền giáo dục số toàn diện, hướng tới phát triển công dân số trong thời đại mới", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc kết luận.